Gìn giữ điệu chèo Tàu Tân Hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), hỏi ông Đông Sinh Nhật - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát chèo Tàu, ai cũng biết.

Ông chính là một trong những người có công lớn trong nỗ lực phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này.

Tích xưa lưu dấu

 Ông Nhật cho hay, theo sử sách ghi chép lại, hát chèo Tàu đã có từ những năm 1683. Cứ 25 năm, người dân Tổng Gối (xã Tân Hội ngày nay) lại mở hội hát chèo Tàu, thường là vào năm “dân khang, vật thịnh”, kéo dài 7 ngày 7 đêm (từ 15 - 21 tháng Giêng âm lịch). Có nhiều ý kiến xung quanh ý nghĩa của nghệ thuật hát chèo Tàu. Tuy nhiên, phần lớn cho rằng, hát chèo Tàu có ý nghĩa ngợi ca vai trò của người phụ nữ trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng như công cuộc xây dựng đất nước. Đây được xem là lý giải phù hợp cho việc những người tham gia hát chèo Tàu chỉ bao gồm phụ nữ.  
Năm 1998, hát chèo Tàu được diễn xướng trở lại sau 76 năm.
Năm 1998, hát chèo Tàu được diễn xướng trở lại sau 76 năm.
Ông Nhật cho biết thêm, với cố gắng của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Sở VHTT&DL tỉnh Hà Tây cũ, hát chèo Tàu đã được diễn xướng trở lại sau 76 năm bị quên lãng. Sau nhiều năm chuẩn bị, Xuân Ất Mùi 2015, hội hát chèo Tàu được địa phương tổ chức lại, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Nỗ lực bảo tồn

Bà Ngô Thị Thu - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo Tàu xã Tân Hội cho hay, để lan truyền tình yêu của lớp trẻ đối với bộ môn nghệ thuật này, hàng năm, câu lạc bộ tổ chức các lớp đào tạo cho các nữ ca nhi. Các nữ ca nhi được nghệ nhân dạy hát chèo Tàu từ khoảng tháng 8 Âm lịch hàng năm để chuẩn bị cho hội diễn vào mùa Xuân năm sau. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Văn học dân gian Việt Nam, đến nay đã có 5 lớp dạy hát chèo Tàu được mở, mỗi lớp từ 40 - 50 cháu gái (tuổi đời khoảng 11 - 12). Tuy nhiên, theo bà Thu, con số này còn rất ít so với mong muốn phổ cập kiến thức về nghệ thuật hát chèo Tàu của những người đang gắng công gìn giữ điệu hát này. Bà Thu cũng cho biết thêm, lễ hội hát chèo Tàu có “quy mô” gần nhất là vào tháng Giêng 2015 vừa qua, cũng mới chỉ có thể tổ chức trong 3 ngày (thay vì 7 ngày như truyền thống).

Trong những năm qua, Câu lạc bộ hát chèo Tàu xã Tân Hội vẫn nhận được hỗ trợ của một số tổ chức như Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, Sở VH&TT Hà Nội, Hội Văn học dân gian Việt Nam, Trung tâm Văn hóa TP để đều đặn mở các lớp đào tạo, tổ chức đi lưu diễn, tham gia các hội diễn trong và ngoài TP. Đến nay, tại Tân Hội đã có 4 người được phong tặng nghệ nhân gồm: ông Đông Sinh Nhật, Nguyễn Hữu Yến và bà Ngô Thị Thu, Nguyễn Thị Tuyết. 

Bà Nguyễn Thị Ly – Chủ tịch UBND xã Tân Hội cho biết, việc bảo tồn nghệ thuật văn hóa truyền thống nói chung, hát chèo Tàu nói riêng luôn được địa phương quan tâm. Từ khi hát chèo Tàu được phục dựng, hàng năm, xã đều khuyến khích bà con tổ chức hội hát, thi hát chèo Tàu giữa các thôn, làng vào các dịp lễ, Tết. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để Câu lạc bộ hát chèo Tàu của xã có điều kiện đi lưu diễn. Xã cũng chủ trương đưa chèo Tàu vào giảng dạy tại các cấp học thuộc hệ thống giáo dục trên địa bàn xã nhằm giáo dục thế hệ trẻ trong việc gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống của địa phương... Bà Ly cho biết thêm, do kinh phí có hạn nên xã thống nhất chủ trương 5 năm tổ chức hội hát chèo Tàu quy mô lớn một lần, điều này cũng sẽ tạo tâm lý háo hức, mong chờ trong Nhân dân, giúp hội hát chèo Tàu có được ấn tượng sâu đậm hơn đối với người tham dự, thay vì mỗi năm tổ chức một lần.