“Bồi sinh” bả trạo
Lần giờ từng trang của tập tư liệu “Âm vang một vùng biển”, bao nhiêu ký ức về làng chài của ông Vũ Huy Bình (76 tuổi, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lại ùa về.
Làng chài Hải Ninh nằm cuối dòng sông Trà Bồng, nơi đổ ra cửa biển Sa Cần. Cư dân nơi đây từ bao đời qua sống nhờ nghề chài lưới. Dù sóng gió, nguy hiểm hay bất cứ khó khăn nào trên biển, ngư dân vẫn vững tay chèo lái. Những hoạt động lao động thường ngày chẳng biết từ bao giờ mà đi câu hò, câu hát, tạo ra loại hình nghệ thuật hát bả trạo độc đáo.
Sinh ra ở làng biển, lúc nhỏ, ông Bình thường đến Lăng Vạn xem lễ cúng cá Ông (nghinh Ông) và nghe mọi người hát bả trạo. Trưởng thành, dù bôn ba khắp nơi mưu sinh nhưng những câu hát, nhịp chèo của bả trạo nơi quê nhà luôn vang vọng trong tâm trí ông.
Nỗi trăn trở lớn nhất trong lòng người đàn ông này là trải qua thời gian, biến đổi đời sống, bả trạo cứ dần mai một, lớp già ra đi, người trẻ lại không biết đến.
Cơ duyên lớn nhất khiến ông Bình thêm gắn chặt với bả trạo là cuộc gặp gỡ với đoàn làm phim của Đài Truyền hình Đà Nẵng- VTV Đà Nẵng khi về làm phim tại vùng cửa biển Sa Cần.
“Biết họ muốn tìm làng biển có cả lăng thờ Thần Nam Hải, chèo bả trạo, tôi đã nghĩ ngay đến làng biển quê mình và hứa sẽ đưa về. Dịp đó là ngày 12 tháng Giêng âm lịch năm 1995, ngày Giỗ Thần Nam Hải của vạn chài, đoàn làm phim về trước 5 ngày để phối hợp cùng tôi tổ chức, quay phim”- ông Bình rành rọt kể.
Hát bả trạo (hay còn gọi là chèo cả trạo, chèo đưa linh, hò đưa linh) là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang đậm tính nghi lễ của cư dân vùng biển Trung bộ, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu trời yên biển lặng. Loại hình nghệ thuật này còn thể hiện bản sắc văn hóa đặc thù miền biển, sự đồng tâm đồng lòng tương thân tương ái của ngư dân. Bên cạnh đó, thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của cộng đồng ngư dân miền biển đối với cá Ông đã giúp đỡ ngư dân vượt qua sóng gió, những tai ương trên biển.
Năm ấy, đoàn làm phim đã thực hiện bộ phim tài liệu “Biển hát”, công chiếu nhiều lần trên kênh VTV 3- Đài Truyền hình Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên văn hóa truyền thống, văn hóa làng biển được khán giả, bà con quê hương tiếp cận gần hơn, nhanh chóng lan tỏa, vươn xa trong cộng đồng.
Khi về hưu vào năm 2013, có nhiều thời gian, ông Bình thường xuyên gặp các bô lão trong làng để sưu tầm, ghi chép lại những bài hát chèo nhằm phục hồi lại các điệu hát bả trạo.
“Bả trạo đa phần truyền miệng nên bản gốc không còn nhiều. Các cụ chỉ nhớ được vài câu, nhớ câu nào thì hát câu đó để tôi chép lại. Chép xong, tôi phải nhờ một người thầy hiểu chữ Hán Nôm dịch ra chữ quốc ngữ rồi bắt đầu biên soạn trong suốt thời gian dài”- ông Bình nhớ lại.
“Âm vang một vùng biển” được ra đời như thế. Tuy là tư liệu sưu tầm cá nhân, nhưng lại có thể khái quát được nhiều nét văn hóa dân gian đậm đà bản sắc của một vùng quê ven biển.
Tập tư liệu tái hiện lễ hội cầu ngư - giỗ thần Nam Hải, hát bả trạo, múa gươm, hội đua thuyền truyền thống trên sông Trà Bồng, hội bài chòi, cùng với các trò chơi dân gian như thi đan lưới, rót nước mắm vào chai, thi cắn phôi nạp chì, kéo co... thường diễn ra trong các lễ hội của làng, nhất là dịp tháng Giêng hằng năm.
“Hát bả trạo chia làm 4 hồi. Hồi 1 hát tạ ơn thần Nam Hải, hồi 2 là nhổ neo và đưa thuyền ra khơi đánh bắt cá, hồi 3 là thuyền gặp sóng to gió lớn phải cầu cứu thần Nam Hải và hồi 4 là thần Nam Hải đưa thuyền vào bờ. Mỗi câu hát mang màu sắc tâm linh khắc họa hình ảnh ngư dân vạn chài trong lao động, sản xuất”- ông Bình nói.
Đến năm 2016, ông Bình và những người cùng đam mê thành lập CLB Văn nghệ dân gian xã Bình Thạnh. Năm 2019, ông Bình được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Truyền nhân của bả trạo
56 tuổi và có xấp xỉ 30 năm hát bả trạo, ông Nguyễn Tấn Sâm (thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh) có đam mê đặc biệt với loại hình nghệ thuật này. Người dân Bình Thạnh và các xã biển lân cận của huyện Bình Sơn đều trở nên “quen mặt” với ông Sâm qua các lễ cầu ngư hàng năm.
Trong đội hát bả trạo có 12 hoặc 16 con trạo (người chèo), 3 ông tổng (tổng mũi, tổng khoang và tổng lái), ông Sâm đảm nhận vai tổng mũi với nhiệm vụ là điều khiển con thuyền, con trạo theo như các động tác vào thuyền, chèo thuyền và điều khiển trạo nghỉ ngơi.
“Do tác động của cơ chế thị trường, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật mới, những người thật sự có tâm với nghề, muốn học hỏi bả trạo ngày càng ít. Vì vậy, phải làm sao để nối tiếp truyền thống của cha ông là bài toán chưa có lời giải rõ ràng"- Nghệ nhân ưu tú Vũ Huy Bình bày tỏ.
“Hát bả trạo đòi hỏi người theo đuổi phải tâm huyết, khổ công luyện tập, nhuần nhuyễn ca từ, điệu múa và giai điệu của cả bài hát. Bởi vì đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, mang tính nghi lễ, linh thiêng. Người hát bả trạo phải đem niềm vui, nhiệt huyết của người con miền biển để thể hiện trọn vẹn”- ông Sâm chia sẻ.
Ngoài việc thuộc rất nhiều điệu chèo bả trạo, ông Sâm còn biết sử dụng thành thạo các nhạc cụ bát âm. Trong hát bả trạo, âm nhạc là một phần không thể thiếu. Âm điệu của đàn nhị, trống, kèn, thanh la hòa tấu nhịp nhàng cùng với tiếng hát đã tạo nên sự cuốn hút rất riêng biệt, khiến ông say mê loại nghệ thuật này.
“Tôi cố gắng gìn giữ, lan tỏa tình yêu với nghệ thuật bả trạo để thế hệ cháu con ở làng chài thôn Hải Ninh lớn lên hiểu được nguồn cội văn hóa. Đó vừa là niềm tin, là cái đích, là hạnh phúc sau cùng để tôi hướng tới”- ông Sâm nói.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, những đóng góp của Nghệ nhân ưu tú Vũ Huy Bình và ông Nguyễn Tấn Sâm cũng như CLB Văn nghệ dân gian Bình Thạnh trong việc giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật chèo bả trạo rất đáng ghi nhận.
“Thời gian tới, Sở sẽ tạo thêm nhiều sân chơi, hội thi, hội diễn để các CLB giao lưu, gặp gỡ. Từ đó bồi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật cho người dân, đồng thời giúp các nghệ sỹ quyết tâm hơn trong việc theo đuổi và giữ gìn nghệ thuật truyền thống trước nguy cơ mai một”- ông Dũng cho hay.