Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giới Công chứng viên Việt Nam: Mong sớm có “ngôi nhà chung” cho hội viên

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới công chứng viên trong cả nước mong mỏi Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam ra đời với ý nghĩa như một “ngôi nhà chung” trong bảo vệ quyền lợi cho những người làm nghề.

 Công chứng viên Văn phòng công chứng Phạm Nguyễn giải thích thủ tục cho khách hàng. Ảnh: Nguyễn Trọng
Sau thời gian thi hành Luật Công chứng 2014, đội ngũ công chứng viên phát triển khá mạnh mẽ trên cả nước. Theo thống kê, cả nước có trên 950 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có trên 800 Văn phòng công chứng với hơn 2.390 công chứng viên đang hành nghề. Một số địa phương có số lượng tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên đông đảo như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Công chứng thì tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp T.Ư và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên; ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng...

Theo số liệu của Bộ Tư pháp, đến nay đã có 43 Hội Công chứng viên của các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được thành lập, đi vào hoạt động. Tuy nhiên, ở cấp T.Ư, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam mới đang trong giai đoạn xúc tiến thành lập với những công việc cần thiết.
Hà Nội hiện có 122 tổ chức hành nghề công chứng với 435 công chứng viên. Hội Công chứng viên TP Hà Nội được thành lập năm 2011.
Nhìn từ thực tế hoạt động của các hội công chứng viên ở địa phương cho thấy, nhiều hội công chứng viên đã tham gia tích cực vào công tác xây dựng thể chế, làm tốt chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp của các hội công chứng viên, các công chứng viên… Hội công chứng viên ở tỉnh, thành ra đời thực sự là chỗ dựa cho công chứng viên trong hành nghề; bảo vệ, đại diện quyền lợi cho họ khi có những tranh chấp, khó khăn. Tuy nhiên, vì chưa có tổ chức thống nhất trên toàn quốc nên mỗi hội hoạt động một kiểu, ban hành điều lệ riêng, thiếu thống nhất. Vẫn còn tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong hoạt động hành nghề mà tổ chức hội chưa giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương hiện chưa có quy chế phối hợp giữa cơ quan quản lý – Sở Tư pháp với Hội nên còn những lúng túng nhất định.

Hiện nay, Công chứng Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Liên minh Công chứng Quốc tế. Đây là cơ hội để Công chứng Việt Nam có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn với công chứng các nước, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động công chứng ở Việt Nam hội nhập với quốc tế, từng bước hiện đại hóa hoạt động này.

Được biết, hiện nay các công việc chuẩn bị thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đang đi vào công đoạn hoàn tất. Dự thảo Điều lệ hoạt động của Hội cũng đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nhằm đảm bảo có một cơ chế tốt cho Hội hoạt động. Với việc ra đời của Hiệp hội chắc chắn hoạt động của các hội ở địa phương sẽ đi vào bài bản, nền nếp, các công chứng viên sẽ có một ngôi nhà chung thực sự, từ đó góp phần đẩy mạnh các hoạt động nghề phát triển.