Mặc dù lực bán trên thị trường vẫn rất mạnh, song dòng tiền đã trụ vững và kéo cả thị trường chứng khoán đi lên trong sắc xanh. Trong phiên đã có tới trên 220 triệu chứng khoán được chuyển nhượng với tổng giá trị lên trên 2.400 tỷ đồng.
Phản ứng vội vã
Điều này cho thấy tâm lý của thị trường đã dần ổn định, tuy nhiên những thiệt hại từ sự vội vã tháo chạy bằng mọi giá trong phiên trước vẫn đang còn đó với không ít nhà đầu tư.
Bên cạnh sự hoảng loạn, một dòng tiền lớn vẫn "lầm lì" trụ vững trên thị trường. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Theo ông Robert Zielinski, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt, giao dịch tại phiên (21/2) xuất hiện biến động mạnh khi tâm lý nhà đầu tư chuyển từ lạc quan sang hoảng loạn.
Thị trường tăng vào đầu phiên do đà tăng phiên trước đó (20/2) dường như cho thấy việc điều chỉnh có thể chấm dứt sớm hơn so với dự báo. Tuy nhiên, tâm lý thị trường sau đó chuyển sang tiêu cực vào cuối đợt buổi sáng với tin đồn.
Chỉ số VN-Index mất 18 điểm, đóng cửa tại ngưỡng 477 điểm và chỉ số HNX-Index giảm 3,55 điểm, đóng cửa tại ngưỡng 63,45 điểm.
Số điểm bị mất của chỉ số VN-Index tính theo cả tỷ lệ lẫn điểm tuyệt đối lên mức cao nhất đúng sáu tháng kể từ ngày 21/08/2012 (khi có thông tin về một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành ngân hàng bị bắt). Trong khi, thậm chí tất cả các thành viên trên thị trường đều chưa có thông tin rõ ràng cũng như chưa hiểu rõ nguyên nhân cụ thể nào khiến tâm lý thị trường thay đổi nhanh như vậy.
Ngay cả một nhà đầu tư lâu năm cũng cho rằng tháo chạy là thượng sách bởi "nguyên tắc đầu tư là phải đảm bảo hệ số an toàn tài chính.”
Trước sự rúng động của thị trường chứng khoán, ngay cuối giờ chiều ngày 21/2, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ra thông cáo khẳng định tin đồn lãnh đạo ngân hàng bị bắt là bịa đặt với dụng ý xấu nhằm mục đích trục lợi. Tin đồn này không những làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu BIDV mà đồng thời gây tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam.
Một động thái khác, sáng ngày 22/2, Ngân hàng Nhà nước cũng chính thức lên tiếng khẳng định tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định và sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ. Bởi trong ngày 21/2, trên thị trường đã có những tin đồn thất thiệt gây tâm lý hoang mang, làm xáo trộn trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá biến động.
Điều quan trọng là danh mục đầu tư
Quay lại thị trường chứng khoán, một điểm đáng chú ý, bên cạnh sự hoảng loạn tháo chạy của một bộ phận nhà đầu tư, thì một dòng tiền rất lớn vẫn tiếp tục “lì lợm” thẩm thấu lực cung giá rẻ. Kết thúc phiên 21/2, tổng khối lượng chứng khoán được chuyển nhượng trên toàn thị trường niêm yết đã đạt trên 255 triệu đơn vị với giá trị lên trên 2.780 tỷ đồng.
Sang đến phiên giao dịch ngày 22/2, đà lao dốc của thị trường chứng khoán ngay lập tức đã được chặn lại, bên cạnh đó lực cầu giá cao đã xuất hiện và giúp các chỉ số chính trên hai sàn niêm yết cùng đóng cửa với mức điểm tăng nhẹ...
Hoàn toàn thông cảm với những tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư khi thị trường gặp những tin đồn bất thường đồng thời có biến động mạnh, song ông Nguyễn Hữu Việt-Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán IRS khuyến cáo, các nhà đầu tư nên quan tâm đến trạng thái danh mục đầu tư của mình và phải tách thông tin ra, không nên quá phụ thuộc vào các tình huống của thị trường.
Phân tích xu hướng của thị trường, ông Robert cả hai chỉ số giảm mạnh về vùng hỗ trợ là 474 điểm của chỉ số VN-Index và 64 điểm của chỉ số HNX-Index. Các chỉ báo xuất hiện tín hiệu xấu, nhưng áp lực không quá lớn như phiên 21/08/2012. Đồng thời, nhóm cổ phiếu ngân hàng không chịu áp lực bán tháo như phiên giảm đột biến 21/08/2012.
“Do đó, chúng tôi cho rằng đà giảm sẽ chững lại và có thể phục hồi nhẹ, nhưng để tránh rủi ro thì các nhà đầu tư nên giảm lượng tiền ký quỹ và chưa nên đưa ra quyết định mua trở lại vì thị trường cần có vài phiên ổn định trở lại hoặc cần duy trì lực cầu mạnh trong những phiên sắp tới,” ông Robert dự báo.