Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giới hạn đỏ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những tranh cãi quanh chương trình hạt nhân của Iran, bất ổn tại Syria, nợ công tại châu Âu... trong tuần qua cho thấy nếu các bên không biết kìm chế, việc vượt qua "giới hạn đỏ" sẽ đẩy thế giới vào một thập niên mất mát mới.

Bầu không khí tại Trung Đông vốn không mấy êm ả lại càng nóng hơn bởi bài phát biểu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại khóa họp thứ 67 Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ). Theo đó, ông Netanyahu kêu gọi tổ chức này áp đặt "giới hạn đỏ" đối với các hoạt động hạt nhân của Iran nhằm khắc chế tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.
 
Tuy nhiên, trong một tuyên bố nhằm đáp trả, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi đã nhấn mạnh, chính Isarel mới là những người vi phạm “giới hạn đỏ” từ nhiều năm trước khi sở hữu hàng chục đầu đạn hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Các cuộc đấu khẩu trên giữa Iran - Isarel và mâu thuẫn giữa các bên liên quan đến việc giải quyết bất ổn tại Syria cho thấy 168 chủ đề được đưa ra bàn thảo trong một tuần diễn ra các phiên thảo luận chung của Đại hội đồng LHQ lần này là quá tham vọng.
 
Giới hạn đỏ - Ảnh 1
 
 
Nhất là khi một số đại biểu tham gia các phiên thảo luận này đều coi đây là cơ hội để đạt được mục đích riêng như tranh cử, cảnh cáo đối thủ... Tại châu Âu, các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha là lời cảnh báo tới Chính phủ các nước này phải nhanh chóng đưa ra những biện pháp nhằm xoa dịu tình hình.
 
Tuy nhiên, những bóng gió về gói các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế mới của Chính phủ Bồ Đào Nha cũng như việc Tây Ban Nha lên kế hoạch vay thêm 207, 2 tỷ Euro để đối phó với tỷ lệ nợ dự kiến lên mức 90,5%/GDP vào năm tới chẳng khác nào "đổ thêm dầu vào lửa". Nhiều khả năng các gói cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt nhất trong lịch sử Tây Ban Nha, Pháp sẽ tạo ra cái cớ để những người dân vốn đã quá bất mãn với cuộc khủng hoảng nợ công vượt qua "giới hạn đỏ" bằng cách phát động các phong trào chống thắt lưng buộc bụng và gây ra một giai đoạn bất ổn mới trên toàn châu Âu.
 
Trong khi đó, cơ hội để giải quyết vấn đề tranh cãi chủ quyền trên Biển Đông giữa các nước tại Đông Á đã hé mở khi Thái Lan cho biết sẽ đứng ra tổ chức một cuộc họp các quan chức cấp cao ASEAN để xem xét nội dung Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Trước đó, bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ khóa 67, Indonesia đã chuyển bản dự thảo COC đến Ngoại trưởng các nước ASEAN, với nội dung gồm các yếu tố ngăn chặn và quản lý xung đột để giải quyết tranh chấp lãnh hải.