Theo đó, phiên họp tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa. Cụ thể về, hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa, tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
Sự đa dạng văn hoá là tài sản chung quý giá
Tại phiên thảo luận, ông Kamal Ait Mik, Thành viên Hạ viện Maroc và Thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU nhấn mạnh, việc đối thoại liên tôn giáo, liên văn hóa, thúc đẩy đa dạng văn hóa là rất cần thiết, đặc biệt cần hướng tới những người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, những người di cư, thanh niên, người tàn tật. Trong hội nghị này, chúng ta hướng tới đối tượng thanh niên, những chủ thể của tương lai, đóng vai trò quan trọng và cần có những vị trí tốt hơn nữa trong xã hội.
Phát biểu tại phiên thảo luận, PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, tại Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa 2001, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) khẳng định đa dạng văn hóa là tài sản chung quý giá của nhân loại, cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với tự nhiên, là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo.
Bên cạnh đó, đa dạng văn hóa có vai trò quan trọng đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, nâng cao vai trò và địa vị của phụ nữ trong xã hội, tạo sự gắn kết, hòa hợp xã hội. Vì vậy cần lồng ghép đa dạng văn hóa như một yếu tố có tính chiến lược vào các chính sách phát triển quốc gia và quốc tế, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc…
Theo Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống hàng ngàn năm. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa 54 dân tộc. Cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam đều chung một ý thức quốc gia - dân tộc, đều chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam đã, đang thực thi và không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách theo phương châm xuyên suốt “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững”. Quốc hội Việt Nam quan tâm, chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành chính sách nhằm thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững...
Ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình, Việt Nam đã chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế đa phương, góp phần phát huy, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa trên quy mô khu vực và quốc tế.
Đa dạng văn hoá: Yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững
Chia sẻ tại hội nghị, nghị sĩ của Indonesia cho biết, quốc gia này có sự đa dạng văn hóa cao, với nhiều dân tộc và hàng trăm ngôn ngữ. Indonesia là một trong những quốc gia đa dạng văn hóa nhất trên thế giới. Sự đa dạng văn hóa, tôn giáo được thống nhất trên nền tảng nguyên tắc: thống nhất trong đa dạng. Tuy có nhiều khác biệt văn hóa, nhưng người dân Indonesia luôn có sự gắn kết, tận dụng tri thức địa phương để giúp quốc gia đạt được sự phát triển.
Các mục tiêu phát triển bền vững luôn là một phần trong nền văn hóa, triết lý phát triển của người Indonesia. Dựa trên triết lý đó, Indonesia đã nỗ lực hướng tới các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, duy trì đa dạng sinh học. Những mục tiêu này liên kết chặt chẽ với nhau để mang lại hòa bình, hợp tác cho các quốc gia, khu vực. Indonesia có định hướng rõ ràng trong việc phát triển nền văn hóa, duy trì sự tự do của người dân, đề cao những giá trị văn hóa của khu vực mình. Indonesia cũng có những bộ luật thúc đẩy đa dạng văn hóa, tôn trọng văn hóa của các dân tộc, tiếp tục duy trì, phát triển, tăng cường hơn nữa sự đa dạng văn hóa này.
Đại biểu của Bosna và Hercegovina nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa và cho biết Bosna và Hercegovina tôn trọng sự đa dạng văn hóa, từ đó đã có được những đồng thời khai thác những điểm khác biệt.
Theo đại biểu của Bosna và Hercegovina, đa dạng văn hóa là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và đối thoại. Đa dạng văn hóa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế, kể cả ở những nền kinh tế có quy mô nhỏ.
Giới trẻ tạo ra những hình thức thúc đẩy văn hoá mới
Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Việt Nam Trịnh Xuân An khẳng định, đa dạng văn hoá là nền tảng quan trọng cho sự thúc đẩy văn hoá trong phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia. Ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, thanh niên đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đa dạng văn hoá. Giới trẻ đang tạo ra những hình thức thúc đẩy văn hoá mới như nghệ thuật số, nghệ thuật truyền thông; văn hoá đang ngày càng trở nên đa dạng nhờ sự đóng góp của thanh niên.
Để thúc đẩy hơn nữa vai trò, thế mạnh của giới trẻ trong thúc đẩy đa dạng văn hoá, đại biểu cho rằng cần khuôn khổ chính sách toàn diện, khuyến khích sự tham gia lành mạnh của thanh niên. Các nghị viện cần đóng góp vai trò chính trong việc xây dựng các chính sách quản trị; các nhà hoạch định chính sách cần có những nguyên tắc đa dạng văn hoá tổng quan, đưa những nguyên tắc này vào những chính sách và hoạt động hợp tác của thanh niên.
Theo nghị sĩ đến từ Algeria, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tìm được sự cân bằng giữa việc du nhập giá trị văn hóa bên ngoài cũng như bảo vệ giá trị văn hóa của quốc gia. Điều quan trọng là cần tạo điều kiện cho người trẻ tham gia nhiều hơn các hoạt động cộng đồng và nâng cao nhận thức để hiểu hơn về giá trị văn hóa của quốc gia mình. Đồng thời cần nuôi dưỡng, giáo dục người trẻ biết tôn trọng hơn giá trị gia đình và quốc gia.
Phát biểu thảo luận, nghị sĩ của Kuwait cho rằng, chúng ta cần xây dựng được môi trường phù hợp để tất cả mọi nền văn hóa đều được tôn trọng, thúc đẩy. Cần đưa ra các bộ luật, quy định thúc đẩy đa dạng văn hóa. Trách nhiệm của các nghị sĩ, đặc biệt là nghị sĩ trẻ là cần thúc đẩy đa dạng văn hóa, đảm bảo những giá trị này là nền tảng của xã hội.
Còn theo nghị sĩ Nam Phi, các quốc gia cần có đạo luật bảo vệ quyền tự do về văn hóa, tín ngưỡng; đồng thời thúc đẩy nền tảng văn hóa nơi công sở để bảo vệ nhân viên khỏi các hành vi phân biệt đối xử. Trước sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 cần có biện pháp hạn chế rủi ro với những công cụ mới, có cách học tập làm việc mới và cần đưa giá trị này vào các văn kiện và pháp lý liên quan.