Giới trẻ với đam mê văn hóa truyền thống

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự phát triển của công nghệ thông tin, những giá trị truyền thống có lúc bị lấn át bởi các trào lưu hiện đại. Thế nhưng, bằng tình yêu, sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đã có rất nhiều người trẻ miệt mài bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Thời gian gần đây, sự kết hợp giữa những nét đẹp truyền thống với những nét hiện đại được giới trẻ sáng tạo trong cuộc sống không chỉ khẳng định cá tính riêng của giới trẻ, mà còn cho mọi người thấy, giới trẻ không hề lãng quên giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Họ đã và đang duy trì, phát triển nó theo cách rất riêng, rất đặc biệt, mà cũng rất cụ thể.

 Các bạn trẻ Hà Nội tham dự một hoạt động văn hóa diễn ra tại Khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (khi dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: Công Hùng
Tại Hà Nội, nhiều bạn trẻ đã say xưa với việc kết hợp các giá trị văn hóa truyền thống và đương đại trong các sản phẩm sáng tạo. Vốn là người yêu cái đẹp, chị Vũ Thùy Dương (37 tuổi, Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội) nghĩ cách "thổi hồn" dòng tranh dân gian lên các mặt đồng hồ và biến tấu chúng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật. Để những bức tranh dân gian nhìn có hồn chỉ với kích thước vỏn vẹn 30mm trên mặt đồng hồ, người nghệ nhân trẻ phải sử dụng kính hiển vi để tỉ mỉ vẽ và phối màu.
Mới đây, Vũ Thùy Dương vừa hoàn thiện xong bộ 5 chiếc đồng hồ "Ngũ hổ Thần Tướng". Bộ tranh lấy cảm hứng từ tranh Ngũ hổ, vẽ theo bộ sưu tập 5 chiếc đồng hồ dân gian chào đón Tết Nhâm Dần. Thông qua bộ tranh lần này, chị Dương mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa dân gian cũng như khoác lên mình tranh dân gian một diện mạo mới.
Cùng đam mê văn hóa truyền thống, năm 2018, Nguyễn Đức Lộc - chàng trai thế hệ 9x trong bộ áo dài truyền thống lần đầu tiên xuất hiện trước báo giới tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) dịp ra mắt Công ty CP Ỷ Vân Hiên. Bằng tình yêu đặc biệt với trang phục cổ, Nguyễn Đức Lộc đã dành nhiều tâm sức để phục dựng và đưa cổ phục Việt đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Nguyễn Đức Lộc chia sẻ việc tiếp xúc với nhiều nền văn hóa du nhập vào Việt Nam giúp giới trẻ có cơ hội bước ra và hội nhập với thế giới nhanh hơn. Các công cụ như internet, mạng xã hội giúp người trẻ đưa văn hóa truyền thống Việt Nam đến với thế giới tốt hơn, rõ nét hơn.

Tuy nhiên, thách thức mà toàn cầu hóa, hội nhập mang lại cũng không ít khó khăn, đó là phải phân định được thế nào là văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của Việt Nam, thế nào là sự giao thoa, kế thừa thì giới trẻ cũng cần tỉnh táo để nhận thức được điều đó. Bởi thực tế cho thấy, càng có điều kiện hòa mình vào thế giới văn minh của nhân loại, tuổi trẻ càng dễ trở nên bị mất phương hướng nếu không có bản lĩnh, trình độ văn hóa cần thiết, thậm chí có thể tự đánh mất mình nếu không được hưởng thụ dưỡng chất văn hóa tốt đẹp của ông cha để lại.

Vì thế, Nguyễn Đức Lộc cho rằng, người trẻ cần phải có một nền tảng giáo dục văn hóa cơ bản, vững chắc để tránh được những sai lầm, ngộ nhận không đáng có từ những cái gọi là “na ná” văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế nhận định là một trong số không nhiều quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời và có truyền thống văn hiến, bản sắc văn hóa độc đáo. Nhưng niềm tự hào chân chính đó chỉ có giá trị khi người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ - với tư cách là người nối tiếp các thế hệ cha ông không đứng ngoài cuộc. Do vậy, những hướng đi của thế hệ trẻ từ việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống đã góp phần lớn vào việc xây khơi dậy tình yêu đất nước, minh chứng cho sự trường tồn của văn hóa dân tộc trong trái tim người trẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần