Đây có thể coi là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh nhiều khu vực nông thôn Hà Nội đã và đang bị tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa.
Nhiều làng xã bị biến đổi
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh khiến cho khu vực nông thôn Hà Nội có nhiều biến đổi nhanh chóng. Vấn đề này đặt ra những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn ngoại thành.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Viết Đạt nhìn nhận, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch gắn với quản lý, bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình phát triển đô thị của Hà Nội nói chung và thị xã Sơn Tây nói riêng không phải là vấn đề mới. Nhưng việc bảo đảm hài hòa giữa những giá trị văn hóa truyền thống và các yếu tố hiện đại luôn là một bài toán khó.
Thị xã Sơn Tây với thế mạnh có 244 di tích, trong đó có 80 di tích đã xếp hạng với 19 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 61 di tích xếp hạng cấp tỉnh, TP. Đặc biệt, làng cổ ở Đường Lâm - ngôi làng duy nhất còn lưu giữ nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán điển hình của làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ - “bảo tàng sống” của nền văn minh nông nghiệp lúa nước vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương còn tình trạng coi trọng tăng trưởng kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đối với công tác bảo tồn các di tích dẫn đến nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, phá vỡ các kiến trúc truyền thống. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều làng đã trở thành phố phường, hoạt động xây dựng chưa đúng quy hoạch vẫn xảy ra, không tuân thủ quy định bảo tồn các di tích đã làm cho cảnh quan thay đổi. Nhiều không gian sinh hoạt cộng đồng truyền thống bị thu hẹp, các lễ hội bị mai một dần.
"Dân số gia tăng, sự kết nối giữa kiến trúc đô thị và giao thông đô thị chưa đồng bộ cũng tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh. Việc kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương trên địa bàn chưa thường xuyên, kịp thời đã dẫn tới tình trạng vi phạm, xâm hại di tích ở một số nơi còn diễn ra” - ông Nguyễn Viết Đạt chia sẻ.
Cùng là địa phương giàu truyền thống văn hóa lịch sử, có số lượng lớn di tích, làng nghề truyền thống, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phú Xuyên Dư Anh Hào thông tin, toàn huyện có 120 di tích lịch sử được công nhận, trong đó 38 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 82 di tích xếp hạng cấp TP, cùng với 43 làng nghề được UBND TP công nhận là làng nghề truyền thống.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đã định hướng phát triển đô thị Phú Xuyên là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội và các dịch vụ chức năng cấp vùng, tạo sự phát triển cân bằng giữa vùng đô thị và nông thôn, giữa khu vực đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh. Thế nhưng đến nay, trên địa bàn huyện vẫn chưa có kế hoạch với quy mô tổng thể, lâu dài mang tính liên kết bền vững cũng như còn thiếu cơ chế phối hợp liên ngành để tạo ra sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ cho công tác quy hoạch và quản lý di sản văn hóa.
Quản lý nông thôn cần song hành với đô thị
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, kể từ năm 2011 cho đến nay, đối với khu vực nông thôn, TP Hà Nội có khoảng 104 quy hoạch liên quan do Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt; 25 quy hoạch liên quan do TP phê duyệt. Việc lập và phê duyệt các quy hoạch khu vực nông thôn TP bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP và địa phương, góp phần cụ thể hóa, xác định rõ các định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực có liên quan ở khu vực nông thôn. Song bên cạnh kết quả đạt được trong quá trình triển khai công tác quản lý quy hoạch, xây dựng khu vực nông thôn vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, hệ thống văn bản quy định về quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng còn thiếu; chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao; công tác tổ chức thực hiện quy hoạch còn thiếu và chậm; tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn, xây dựng trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp, kiến trúc công trình phát triển lai tạp, mất dần bản sắc địa phương, vùng miền, phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống, phá hủy nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể…
Với những tồn tại được chỉ ra, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp để TP có thể áp dụng. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng nêu, TP có thể áp dụng các mô hình nông thôn mới phù hợp với đặc trưng của từng thị trấn và làng mạc. Việc lập quy hoạch và quản lý các thị trấn và làng nông thôn cần đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, đặc điểm của thị trấn hoặc làng cũng như các hoạt động nông thôn. Các khu vực nông thôn ven đô cần được nhìn nhận hữu cơ hơn với đô thị, không tách rời sự phát triển của đô thị trên cả khía cạnh kinh tế, môi trường sinh thái, hạ tầng và đời sống xã hội; kiểm soát, quy định các vấn đề nông thôn cần được nhìn nhận song hành với các vấn đề đô thị.
Ngoài ra, quan tâm, phát huy vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong việc triển khai và quản lý quy hoạch. Việc huy động sự tham gia tự nguyện của cộng đồng vào việc thực hiện các nội dung khác nhau quyết định đến việc thực hiện, quản lý thành công và khả năng triển khai trên diện rộng của quy hoạch nông thôn. Ngược lại để có thể triển khai trên diện rộng, cần thực hiện phân cấp và phải giao được quyền làm chủ cho cộng đồng.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, KTS Bùi Xuân Tùng cho rằng, Hà Nội cần sử dụng có hiệu quả công cụ vành đai xanh nhằm kiểm soát phát triển theo ranh giới giữa khu vực ven đô và trung tâm, tránh hiện tượng phát triển tràn lan phân tán.
“Việc dành 70% tổng diện tích Thủ đô cho phát triển hành lang xanh là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững trong tương lai của Hà Nội, bảo đảm sự phát triển cân bằng dựa trên bảo tồn và phát huy các giá trị cốt lõi. Hầu hết các huyện ngoại thành Hà Nội đều nằm trong khu vực hành lang xanh. Điều đó nói lên sự cần thiết đề xuất nghiên cứu quy định quản lý quy hoạch xây dựng, cảnh quan kiến trúc các huyện TP Hà Nội” - KTS Bùi Xuân Tùng nhấn mạnh.
TP Hà Nội cần khẩn trương rà soát, bổ sung các tiêu chí về kiến trúc nhà ở nông thôn, công trình công cộng, bảo tồn di tích, văn hóa, dân tộc phù hợp với đặc điểm của từng vùng, tránh tình trạng thiếu hoặc bỏ sót các tiêu chuẩn kỹ thuật và hệ thống quản lý trong quy hoạch nông thôn. Theo đó từng bước thực hiện việc liên kết, thống nhất, tích hợp hệ thống kỹ thuật quy hoạch đô thị và nông thôn.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng