Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ bình an cho mình trong đại dịch Covid-19

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt dịch Covid-19 thứ hai tái diễn đã gần 3 tuần nay và được đánh giá là nguy hiểm, phức tạp khi xuất hiện các chùm ca bệnh tại cộng đồng. Thậm chí trong một gia đình có nhiều người mắc và đặc biệt đến chiều 16/8 đã có đến 24 ca tử vong liên quan đến Covid-19. Không chỉ vậy, hiện có nhiều ca mắc thứ phát trong cộng đồng và có xu hướng lan rộng ra nhiều tỉnh, TP, trong đó có Hà Nội.

Một nhà hàng trên đường Văn Cao, Hà Nội thông báo tạm nghỉ ít ngày trong dịch Covid-19. Ảnh: Duy Khánh
Nhận định cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã bắt đầu ở thời kỳ cao điểm trong làn sóng lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, Nhân dân tiếp tục bình tĩnh nhưng phải thực hiện kịp thời các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng nhấn mạnh đến tinh thần "chống dịch như chống giặc", trong đó nêu bật vai trò của người dân khi ví "mỗi gia đình, thôn bản, xóm làng là một "pháo đài", mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch".
Ngay thời điểm này, công tác ngăn chặn dịch cần được các ngành chức năng, mà nòng cốt là lực lượng y tế tập trung ở mức cao nhất. Bên cạnh việc xử lý triệt để ổ dịch, việc quyết liệt tập trung truy vết, xét nghiệm nhanh để phát hiện ca bệnh mới, từ đó khoanh vùng dập dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng là vô cùng cần thiết. Các địa phương cũng đang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, TP Hải Dương là địa phương rất quyết liệt khi nâng cao "cấp độ" cách ly xã hội toàn TP, bao gồm: Nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố, phường/xã cách ly với phường/xã. Hải Dương yêu cầu tất cả người dân không được ra khỏi TP, trừ các trường hợp thật sự cần thiết và được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Ngoài ra, TP cũng đóng cửa toàn bộ các cửa hàng ăn uống, kể cả dịch vụ giao hàng tận nhà, các dịch vụ làm đẹp, cắt tóc, gội đầu và những dịch vụ khác có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tại Hà Nội, cuối tuần qua, UBND TP đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, không lơ là, chủ quan, bảo đảm kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng. UBND TP Hà Nội chỉ đạo tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện tập trung đông người tại nơi công cộng và các sự kiện chưa cần thiết; hạn chế tập trung đông người trong việc hiếu, hỷ; dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường; không để quán nước vỉa hè hoạt động…
Phòng, chống dịch không chỉ là việc đeo khẩu trang, mỗi người dân hãy thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng, hạn chế tụ tập, thực hiện tốt về giữ khoảng cách với người xung quanh, không có việc cần thiết không nên ra khỏi nhà. Hay như việc cài đặt các ứng dụng công nghệ thông tin là điều rất nên làm. Dù chỉ là những thao tác rất đơn giản, không mất nhiều thời gian nhưng lại có hiệu quả đối với việc kiểm soát dịch bệnh. Mỗi người giữ bình an cho mình, cũng là giữ cho gia đình và cộng đồng.
Trong đợt chống dịch Covid-19 từ đầu năm tới nay, mỗi người đều nhắc nhau: “Chống dịch như chống giặc”. Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nếu mỗi người dân nâng cao ý thức cộng đồng, luôn đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là, cùng chung tay thực hiện các biện pháp đẩy lùi “giặc Covid-19” thì qua đợt cao điểm này để chúng ta sẽ lại thêm một lần nữa chiến thắng!