Trước những thông tin về khó khăn của ngành Y tế, đặc biệt là nhân sự, tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng đã xem xét, nêu về vấn đề này. Hà Nội và một số tỉnh, TP đã có những giải pháp cụ thể, trước mắt để giữ chân cán bộ y tế, thế nhưng về lâu dài cũng cần những phương án căn cơ hơn.
Hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc
Mới đây, tại chương trình phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn tiềm ẩn và các dịch bệnh khác đang có khả năng bùng phát, tình trạng nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập nghỉ việc với số lượng lớn, nhất là tuyến huyện, xã xin nghỉ việc tương đối nhiều dẫn đến thiếu hụt nhân lực trong ngành y tế, nhất là y tế cơ sở.
Báo cáo mới đây từ Công đoàn Y tế Việt Nam cho thấy, tính từ năm 2021 và 6 tháng năm 2022 đã có gần 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như công việc áp lực, căng thẳng, mua sắm thuốc khó khăn, vấn đề an toàn cho nhân viên y tế…
Tuy nhiên, nổi lên là chế độ lương cho nhân viên y tế thấp, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng vì y tế công lập chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. “Thu nhập ở cơ sở y tế công lập có sự chênh lệch lớn đối với cơ sở y tế tư nhân” - ông Hoàng Thanh Tùng nhận định, đồng thời nhấn mạnh, báo cáo công tác dân nguyện cần đề cập và đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho biết, công đoàn y tế đã đề xuất sửa đổi Nghị định 56/2011, nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi lên cao hơn. Đồng thời xem xét từng bước tính đúng, tính đủ hơn giá dịch vụ y tế để tăng thu nhập cho nhân viên y tế, xem xét điều chỉnh mức định biên đối với y tế cơ sở. Bởi theo ông, quy định về mức định biên này đã áp dụng từ năm 2007 nên “rất thấp”.
Liên quan vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần đẩy nhanh việc thực hiện cải cách tiền lương để bảo đảm đời sống cho nhân viên y tế nói riêng và cán bộ, viên chức, người lao động nói chung.
Để giữ chân cán bộ y tế, về lâu dài cần có lộ trình từng bước để làm sao giải quyết được đấu thầu cơ sở khi thuốc men, trang thiết bị hiện nay còn thiếu, đặc biệt cần có một cơ chế xã hội hóa. Bên cạnh đó, là những vấn đề về tự chủ…
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, tình trạng nhân viên nghỉ việc xảy ra tại các bệnh viện (BV), trung tâm y tế (TTYT) với nhiều lý do khác nhau, đã gây ra tình trạng biến động nguồn nhân lực ngành y tế. Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, TP có 891 nhân viên y tế nghỉ việc nhưng cũng tuyển mới nhiều nên con số thiếu hụt chính xác là 306 người. Năm 2021 đã có 1.154 nhân viên y tế nghỉ việc.
“Tuy mức chênh lệch không nhiều nhưng đã gây khó khăn rất lớn cho các cơ sở y tế vì những người nghỉ việc là người có thâm niên, nhiều năm kinh nghiệm, còn những người mới được tuyển cần có thời gian đào tạo, thực hành” - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng chia sẻ.
Để hạn chế tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có các giải pháp, hỗ trợ, động viên nhân viên y tế như lắng nghe tâm tư của nhân viên y tế tại các đơn vị mỗi tuần; phối hợp với các chuyên gia tâm lý để tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế; kêu gọi các DN hỗ trợ cho nhân viên y tế đi nghỉ dưỡng, du lịch. Mở thêm các hội nghị giúp tăng cường, giao lưu học hỏi giữa các nhân viên y tế với nhau; tổ chức các cuộc thi để nâng cao tinh thần cho nhân viên...
Đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, TP Hồ Chí Minh hiện đang nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; kiến nghị sớm có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài, cần có những cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân nhân viên y tế công lập.
Làm sao giữ chân cán bộ y tế?
Sở Y tế Hà Nội vừa báo cáo UBND TP dự thảo nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên một lần cho công chức, viên chức, người lao động (CCVCNLĐ) ngành Y tế Thủ đô để trình HĐND TP thông qua tại kỳ họp chuyên đề. Theo báo cáo của Sở Y tế, đối tượng được hưởng hỗ trợ một lần là CCVCNLĐ làm việc tại cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, phòng y tế các quận, huyện, thị xã.
Cụ thể, người làm chuyên môn y tế được hỗ trợ 10 triệu đồng. Người làm quản lý, hành chính được hỗ trợ 7 triệu đồng. Người làm chuyên môn ở trung tâm giám định y khoa, pháp y được hỗ trợ 7 triệu đồng. Còn người làm quản lý, hành chính ở các trung tâm này được hỗ trợ 5 triệu đồng. Với các cán bộ làm việc ở Sở Y tế như phòng nghiệp vụ y tế, kế hoạch - tài chính, văn phòng được hỗ trợ dự kiến 10 triệu đồng. Cán bộ phòng nghiệp vụ dược, tổ chức cán bộ, thanh tra sở được hỗ trợ 7 triệu đồng.
Ngoài ra, các cán bộ ở phòng y tế thuộc các quận, huyện được hỗ trợ 7 triệu đồng. Sở Y tế dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ, động viên một lần cho CCVCNLĐ ngành y tế TP là hơn 248 tỷ đồng và được lấy từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách TP.
Tại Bình Dương, từ năm 2021 đến nay, tỉnh này có khoảng 328 nhân viên y tế nghỉ việc với nhiều lý do, trong đó có áp lực công việc và lương thấp. Hiện tỉnh đang thiếu khoảng 780 y bác sĩ. Để hạn chế tình trạng này, Sở Y tế tỉnh đề xuất ngoài lương theo quy định chung, địa phương tăng phụ cấp cho y tế công lập lên gấp 3 lần mức lương cơ sở vùng 1 (từ 4.680.000 đồng/người/tháng lên 14.040.000 đồng/người/tháng đối với chức danh bác sĩ).
Đối với điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ tại tuyến y tế cơ sở, mức lương tiếp nhận ban đầu cao gấp 1,5 - 2 lần mức lương cơ sở vùng 1. Đặc biệt, để thu hút bác sĩ ở các nơi về công tác, Bình Dương đang áp dụng theo Nghị quyết 05/2019 của HĐND tỉnh. Theo đó, bác sĩ về tỉnh được hưởng chế độ ưu đãi một lần từ 400 - 600 triệu đồng ngay khi được tuyển dụng viên chức.
Còn với tỉnh Đồng Nai sẽ hỗ trợ mức cao nhất đến 300 triệu đồng cho bác sĩ về tỉnh nhận công tác. Ngoài chính sách thu hút một lần, các đối tượng còn được hỗ trợ thêm tiền thuê nhà, chế độ đối với nhân viên nữ. Với cán bộ y tế đang công tác cũng sẽ được hỗ trợ đến 4 triệu đồng/tháng trong 4 năm. Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh Đồng Nai có 231 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên nghỉ việc.
Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Y tế đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.
Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi Khoản 4: Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 điều này. Bổ sung khoản 7, mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và bệnh viện tuyến huyện.