Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ chân người dân trên chính quyền số: Tăng tính thân thiện, dễ tiếp cận

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù 100% các bộ, ngành, địa phương đã có cổng thông tin điện tử (TTĐT) để cung cấp thông tin của cơ quan Nhà nước cho người dân, DN, nhưng có đến 80% cổng TTĐT cấp tỉnh chỉ giữ chân người dùng được 2,79 phút; 62,42% rời đi ngay sau khi vừa truy cập.

Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo “Đưa người dân lên môi trường số: Tăng cường cung cấp thông tin và hiệu quả tương tác qua cổng/trang TTĐT của chính quyền địa phương”, do Hội Truyền thông sốViệt Nam (VDCA) tổ chức.

Công khai thông tin còn hạn chế

Định hướng xuyên suốt về chuyển đổi số của Chính phủ là đưa hoạt động của người dân, DN lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, DN thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.

Tuy nhiên, các cổng TTĐT mới dừng lại ở việc cung cấp thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ, nhưng chưa bảo đảm tính đầy đủ, cập nhật và hệ thống. Các tính năng phục vụ trải nghiệm của người dùng như tìm kiếm thông tin, hướng dẫn tìm kiếm thông tin, tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin của người dân, đánh giá chất lượng thông tin được cung cấp, chia sẻ ý kiến, gửi góp ý trực tuyến còn hạn chế.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Qua khảo sát của Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) về việc cung cấp thông tin trên các cổng TTĐT cho thấy, tỷ lệ cơ quan công khai quy chế và đầu mối cung cấp thông tin còn hạn chế. Ở cấp trung ương có 48,1% cơ quan đã công khai đầu mối và 40,7% đã công khai quy chế cung cấp thông tin. Ở cấp địa phương, 9,5 UBND cấp tỉnh đã công khai đầu mối và 3,2% đã công khai quy chế cung cấp thông tin. Sở Tư pháp là đơn vị đạt tỷ lệ cao nhất ở cấp tỉnh, nhưng đều dưới 40%.

Qua đánh giá từ góc độ trải nghiệm của người dùng, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nhận xét, các cổng TTĐT cấp tỉnh chưa thành công trong việc “giữ chân” người dùng. Số liệu cho thấy 80% các cổng TTĐT cấp tỉnh chỉ giữ chân người dùng được 2,79 phút. Bình quân, 62,42% rời đi ngay sau khi vừa truy cập.

Cùng chung quan điểm này, ông Mai Thanh Hải - đại diện Cục Chuyển đổi số (Bộ TT&TT) chia sẻ, sau 11 năm thực hiện NĐ 43/2011/NĐ-CP Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang TTĐT hoặc cổng TTĐT của cơ quan Nhà nước là 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và UBND các tỉnh, TP đã có cổng/trang TTĐT để cung cấp thông tin của cơ quan Nhà nước cho người dân, DN. Góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan Nhà nước được minh bạch, hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Mai Thanh Hải cho rằng, NĐ 43 đã trở thành “tấm áo chật trong tình hình mới”. Bởi các mục tiêu mới của Nghị định 42/2022/NĐ-CP trong cải thiện tính thân thiện của giao diện, khả năng tìm kiếm thông tin, khả năng tương tác hai chiều, đa dạng kênh cung cấp thông tin, cập nhật thông tin văn bản quy phạm pháp luật.

 

Việc cập nhật Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng mang một ý nghĩa quan trọng, phản ánh tư duy “cung cấp dịch vụ”, lấy người dân làm trung tâm, cụ thể ở đây là “dịch vụ cung cấp thông tin” cho người dân - ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết.

Các đánh giá của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nhận định, các địa phương đã có đầu tư cho các yếu tố “đầu vào” – cơ sở hạ tầng của các kênh tương tác với người dân. Tuy nhiên, thực tiễn thực hành, tổ chức thực hiện còn thiếu sự chuẩn hóa và chưa hiệu quả, dẫn đến yếu tố “đầu ra” là mức độ hài lòng/sự tham gia của người dân trong tương tác với chính quyền trên môi trường số vẫn còn tương đối thấp.

Đặt yếu tố an toàn dữ liệu cá nhân lên hàng đầu

Viện trưởng Viện IPS Nguyễn Quang Đồng đánh giá, có 2 thành tố quyết định việc tham gia của người dân trong tương tác với chính quyền trên các trang TTĐT. Thứ nhất là việc bảo đảm tính thân thiện, dễ tiếp cận với người dùng, thể hiện cụ thể các tiêu chí. Thứ hai là việc thiết lập sự tín nhiệm với người dùng.

Theo đó, ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất, đối với việc cụ thể hóa Nghị định 42/2022/NĐ-CP, cần hướng dẫn chuẩn hóa đối với công cụ tìm kiếm, định hướng sử dụng mạng xã hội, cho phép tổ chức, cá nhân đánh giá trực tuyến mức độ hài lòng, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đối với chính quyền địa phương, cần tập trung tìm hiểu nhu cầu và khó khăn trong tiếp cận thông tin của người dân; hoàn thiện thể chế, đặc biệt là việc đánh giá/giám sát các trang TTĐT định kỳ. Bên cạnh đó, cần truyền thông, nâng cao nhận thức, phát động chiến dịch đưa người dân tiếp cận các cổng TTĐT.

Chia sẻ kinh nghiệm ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Trung Hiếu cho biết, mô hình hiệu quả của tỉnh Tây Ninh trong việc tận dụng ưu điểm của các kênh tương tác khác nhau như cổng TTĐT, tổng đài tiếp nhận phản ánh 1022, Zalo, Tây Ninh Smart… để tối ưu hiệu quả cung cấp thông tin và tương tác với người dân trên môi trường số. Số lượng người quan tâm đến nay đạt 164.000 người. Trong tháng 11/2022 có hơn 60.000 lượt xem bài viết, 730 lượt chia sẻ.

Chia sẻ về ứng dụng thông minh của tỉnh, ông Hiếu cho biết: “Tây Ninh Smart được thử nghiệm từ tháng 6/2020 và triển khai chính thức từ 8/2021. Số lượng cài đặt ứng dụng Tây Ninh Smart: AppStore hơn 72.000 lượt và PlayStore hơn 110.000 lượt. Số lượng tài khoản đã đăng ký là hơn 132.000. Trong tháng 11/2022 có hơn 44.000 lượt truy cập”. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, phải đặt yếu tố an toàn dữ liệu cá nhân lên hàng đầu.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, Bộ TT&TT cần nghiên cứu phương án để thống nhất kênh lưu trữ văn bản, thay vì phân tán như hiện tại. Đồng thời, để chia sẻ thông tin được hiệu quả, bảo đảm tương tác hai chiều. Cần tận dụng các kênh mạng xã hội như Zalo và tiến tới phát triển các ứng dụng thông minh tích hợp như HuếS, Tây Ninh Smart.