Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả hoạt động chính quyền 2 cấp tại Hà Nội
Kinhtedothi - Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số như một phương thức giúp chính quyền địa phương 2 cấp vận hành hiệu quả, minh bạch và phục vụ người dân tốt hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ bảo đảm quản lý, điều hành liên tục trong bối cảnh thay đổi địa giới hành chính mà còn hiện đại hóa nền hành chính, tạo bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính.

Lãnh đạo UBND phường Cửa Nam kiểm tra công tác giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa. Ảnh: Công Thọ.
Chuyển đổi số làm nền tảng cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, TP Hà Nội xác định chuyển đổi số là nền tảng quan trọng để bảo đảm hoạt động quản lý, điều hành không bị gián đoạn khi thay đổi địa giới hành chính. Đồng thời, chuyển đổi số giúp hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ người dân và tổ chức một cách hiệu quả hơn.
Mới đây, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo, tập huấn quy trình giải quyết thủ tục hành chính và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo mô hình 2 cấp. Phó Giám đốc Trung tâm Hoàng Văn Bằng cho biết, chương trình tập huấn trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại Trung tâm PVHCC Thành phố, cán bộ đầu mối các sở, ban, ngành và địa phương, đặc biệt là các đơn vị hành chính cấp xã/phường mới được sắp xếp lại.
Chương trình cũng đảm bảo sự thống nhất trong quy trình nghiệp vụ, thao tác kỹ thuật, góp phần nâng cao năng lực sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn mới. Đồng thời, thiết lập cơ chế hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả, đa dạng, như hệ thống hỗ trợ 24/24, các nhóm Zoom cố định theo khu vực, tổ công tác kỹ thuật - nghiệp vụ cử đến tận đơn vị cơ sở, nhằm đảm bảo không cán bộ nào bị "bỏ lại phía sau" trong quá trình chuyển đổi.
Bà Nghiêm Thị Phương Chi - Phó Chánh Văn phòng UBND xã Đại Thanh, chia sẻ: "Chúng tôi đã rà soát, chuẩn hóa và cập nhật dữ liệu dân cư, hộ tịch, sổ sức khỏe điện tử để đồng bộ hóa với phần mềm do cấp có thẩm quyền xây dựng. Thành phố cũng đã tập huấn về 'một cửa điện tử', quản lý văn bản, họp trực tuyến từ chính quyền 3 cấp sang 2 cấp để vận hành thông suốt từ ngày 1/7."
Cùng quan điểm, công chức tại phường Cửa Nam cho biết cán bộ, công chức phường đã được tập huấn nhiều nội dung liên quan đến thủ tục hành chính liên thông trong bối cảnh Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh chính thức đóng từ ngày 1/7. Phường khẳng định sẽ tiếp tục tập huấn cho đội ngũ cán bộ để bảo đảm tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính một cách hiệu quả.
Đảm bảo vận hành liền mạch
Đầu tháng 6, UBND TP Hà Nội đã ban hành Đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ số hóa tài liệu tập trung của các cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội" với lộ trình rõ ràng gồm 3 giai đoạn. Thành phố yêu cầu số hóa tài liệu cấp xã, cấp huyện trước thời điểm các đơn vị này sáp nhập, ngừng hoạt động. Đây là bước đi bài bản nhằm giữ nguyên vẹn hồ sơ hành chính và tạo nền tảng vững chắc để vận hành mô hình chính quyền 2 cấp một cách liền mạch, hiệu quả.
Hệ thống kho cơ sở dữ liệu hành chính dùng chung được xây dựng chứa toàn bộ văn bản phát sinh từ hoạt động điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước. Kho dữ liệu này không chỉ phục vụ hệ thống một cửa và giải quyết thủ tục hành chính mà còn liên kết với hệ thống quản lý văn bản điều hành, dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây là nền tảng quan trọng để Hà Nội xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp hiện đại, hiệu quả và minh bạch.
Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố, Công an TP Hà Nội đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho 126 đơn vị Công an phường, xã.
Trung tá Vũ Hải Thành - Trưởng Công an phường Thanh Xuân, nhấn mạnh đến vai trò, ý thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Công an phường. "Chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm yêu cầu của công tác chuyển đổi số và Đề án 06, không để hoạt động bị gián đoạn, phục vụ tốt nhất cho nhân dân. Đồng thời, các đơn vị phải bảo đảm hạ tầng đường truyền, thông tin liên lạc, công nghệ thông tin cho Công an cấp xã, bảo đảm thông tin liên tục, không ngắt quãng" - Trưởng Công an phường Thanh Xuân nêu rõ.
Phường Ngọc Hà hiện đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hoàn thiện hệ thống phần mềm, nâng cấp thiết bị, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và triển khai Đề án 06. Lãnh đạo phường đề xuất sớm được cấp tài khoản quản trị hệ thống iHanoi để tiếp nhận, giải quyết phản ánh của người dân trên địa bàn một cách nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả.
Khẳng định tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà nêu rõ, sau khi chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, Bộ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Mục tiêu là giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho mọi đối tượng ở mọi lúc, mọi nơi.
Việc chuyển đổi số theo mô hình chính quyền 2 cấp không chỉ giúp duy trì hoạt động quản lý liên tục khi thay đổi địa giới hành chính mà còn tạo ra nền hành chính hiện đại, minh bạch, hướng đến sự hài lòng của người dân và tổ chức.
Hà Nội đang từng bước hoàn thiện hệ thống, nâng cao năng lực cán bộ, đồng thời đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để chính quyền địa phương vận hành hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Thủ tướng: vận hành chính quyền địa phương 2 cấp thông suốt, hiệu quả
Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vận hành chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả với 3 "không để" gồm: Không để người dân, doanh nghiệp nào không được giải quyết thủ tục hành chính hoặc thủ tục kéo dài; không để bất cứ người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, người bệnh phải được khám chữa bệnh kịp thời, hiệu quả; không để các dự án đang triển khai bị đứt gãy, không có người chịu trách nhiệm, không để lãng phí nguồn lực, bảo đảm thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án lớn.
Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp ở phường trung tâm: Chính quyền nỗ lực phục vụ, người dân chia sẻ
Kinhtedothi - Qua ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương (CQĐP) 2 cấp, ghi nhận tại một phường ở trung tâm của Hà Nội cho thấy việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân trong hôm nay (2/7) đã bớt quá tải. Cùng với những giải pháp linh hoạt ứng phó trước mắt và “dài hơi” của cơ quan chính quyền, người dân kỳ vọng sẽ được phục vụ ngày càng nhanh gọn, đạt được mục tiêu “chính quyền gần dân”.
Hà Nội vận hành chính quyền địa phương 2 cấp: công chức nỗ lực, người dân hài lòng
Kinhtedothi-Ngày 1/7, cùng với cả nước, TP Hà Nội chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương (CQĐP) 2 cấp. Trong điều kiện khối lượng công việc tăng cao, không ít nội dung còn bỡ ngỡ, song đội ngũ cán bộ công chức tại nhiều phường trên địa bàn TP Hà Nội đã rất nỗ lực, nêu cao trách nhiệm để bảo đảm giải quyết hồ sơ hành chính thông suốt, được người dân ghi nhận.