Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ con cho mẹ đi làm

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào Bình Dương mới đây, chúng tôi nghe được chuyện cười ra nước mắt. Gia đình nọ, bố làm bảo vệ của một công ty, mẹ làm tổ trưởng một công ty may.

Thời gian này hai người thường xuyên phải tăng ca, do các công ty chưa đủ nhân lực cho sản xuất, kinh doanh. Hai đứa trẻ ở nhà, đứa 7 tuổi trông đứa 3 tuổi. Mẹ chúng phần vì sợ con lây nhiễm Covid, phần lo ngại kẻ xấu nên khóa cổng ngoài, dặn các con không mở cửa cho bất cứ ai vào nhà. Thế là một hôm, cháu nhỏ bị sốt, cháu lớn thấy người quen trong xóm kêu: “Cô ơi, em cháu bị sốt không chịu uống sữa”. Nhưng không ai có thể vào nhà các bé được. Mọi người còn kể, hai cháu ở nhà có lúc loay hoay tìm cách chọc ổ điện rất nguy hiểm, may mà đứa lớn “khoe”: “Cháu lấy cái đũa gỗ để dí vào điện thôi”. Nhưng lỡ đũa bị ướt thì sao?

Tình trạng người lao động loay hoay tìm mọi cách để gửi con đi làm khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… khi nhiều nhà trẻ, mẫu giáo do nhiều nguyên nhân (phá sản sau thời gian dài đóng cửa, thiếu nhân lực…) chưa hoạt động trở lại.

Cách phổ biến nhất là các gia đình công nhân gửi con ở nhà giữ trẻ tự phát, nhờ bà từ quê vào trông cháu, gửi con về quê… Và có cảnh liều nhốt con như kể trên. Tất cả đều tìm mọi cách để có thể đi làm trở lại vì mưu sinh, không thể kéo dài những ngày tháng thất nghiệp được nữa.

Điều đáng buồn là các công ty, xí nghiệp hầu hết đều cho rằng, trả đủ lương thưởng và các chế độ bảo hiểm khác cho công nhân là đủ; ngoài ra là tổ chức bữa ăn trưa, ăn tối… Còn việc, công nhân của họ xoay xở ra sao với đồng lương eo hẹp; làm cách gì để gửi con ở trường lớp thì họ không để ý, cho rằng đó là việc riêng của mỗi gia đình.

Vất vả gửi con, đưa đón con từ nhà đến trường, từ trường về nhà thực sự chiếm một phần khá lớn sức lực cũng như thời gian của mỗi người lao động, đó là chưa kể lúc con ốm đau... Mà công nhân thì không đủ tiền để thuê người giúp việc.

Đây là vấn đề lớn và khá khó để giải quyết. Tuy nhiên, trên thực tế không phải không giải quyết được nếu mỗi DN, nhất là những DN có quy mô hàng trăm đến hàng nghìn, hàng chục nghìn lao động, để ý và quyết tâm thực hiện.

Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã khánh thành trường mầm non đầu tiên dành cho công nhân. Trường do Công ty THHH Pouchen Việt Nam xây, có phòng y tế, hội họa, âm nhạc, quy mô có thể nhận 700 trẻ. Tương tự, Tập đoàn Phong Thái, với khoảng 67.000 công nhân, cũng đã xây trường mầm non cho người lao động ngay cạnh ký túc xá của công nhân. Công ty Taekwang xây trường mẫu giáo rộng 7.500m2 cho hơn 1.000 công nhân của họ… Các trường này vẫn thu phí nhưng giá rẻ.

Mô hình trường mẫu giáo của các công ty ở Đồng Nai chắc chắn cũng đã có ở nơi này nơi khác của địa phương khác, tuy nhiên vẫn chưa thực sự được “phủ sóng”. Đây là mô hình cần nhân rộng (bên cạnh việc xây dựng ký túc xá cho công nhân, xe đưa đón công nhân, xe đưa đón con công nhân đi học...) và cần được Nhà nước hỗ trợ về chính sách.

Người lao động chính là tài nguyên quý giá nhất của đất nước. Để người lao động khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần cần được các DN chú ý, Nhà nước hỗ trợ. Mong rằng, mỗi gia đình công nhân trong tương lai gần có chỗ gửi con, dạy dỗ cho con cái họ phát triển toàn diện để họ an tâm lao động, sản xuất.