Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ đặc biệt

Theo Báo Tin tức
Chia sẻ Zalo

Việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không được phép phạm sai lầm. Đảm nhiệm nhiệm vụ này là các cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về những kinh nghiệm quý báu trong việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mọi tình huống.
 Lễ thượng cờ, chào cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 19/5/2019. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Thưa Thiếu tướng, việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 50 năm qua đã cho ta bài học gì?
Thành tựu 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm rất quý báu như sau:
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết nghị: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người".
Thứ nhất là luôn luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng mà trực tiếp ở đây là Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ 2 là tích cực, chủ động phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong học hỏi và vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ 3 là tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của Liên Xô trước đây (nay là Liên bang Nga) và đặc biệt là từ các chuyên gia y tế trực tiếp giúp chúng ta về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài của Bác.
Thứ 4 là sự ủng hộ đồng tình của nhân dân cả nước, của các ban, bộ ngành Trung ương, các địa phương đã luôn luôn đồng hành với đơn vị trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuối cùng là bài học về xây dựng đơn vị, xây dựng Đảng bộ, giáo dục đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ luôn luôn trung thành, tận tâm, tận lực với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một trong những giai đoan vô cùng khó khăn của chúng ta là sau khi Liên Xô (cũ) tan rã. Vậy việc hợp tác với các chuyên gia của bạn về y tế, kỹ thuật trong giai đoạn này được triển khai như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Quá trình thực hiện giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh qua rất nhiều giai đoạn và có những lúc gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt khi Liên Xô (cũ) tan rã, thay đổi thể chế chính trị.
Từ cuối những năm 1991 đến nay là giai đoạn phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, cán bộ, bác sĩ của ta từng bước vươn lên làm chủ nhiệm vụ chính trị được giao, không có sự giúp đỡ trực tiếp của các chuyên gia Liên bang Nga. Cũng chính việc chủ động, nỗ lực của cán bộ, quân nhân, chiến sĩ ngay từ ngày đầu đã giúp chúng ta từng bước vươn lên trong học tập, từng bước làm chủ về công nghệ để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Khi bạn có thay đổi thể chế, chúng tôi đã tham mưu với Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Quân ủy Trung ương cho phép chúng tôi chuyển sang cơ chế quan hệ trực tiếp với Trung tâm nghiên cứu vi sinh Mát-xcơ-va (Nga). Đặc biệt, đó là cơ chế thương mại để chủ động trong hợp tác, nghiên cứu.
Những lúc khó khăn như vậy chúng ta đã vượt qua được tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao cho.
Sắp tới, về mặt y tế, kỹ thuật chúng ta sẽ tự chủ như thế nào, và sẽ có những hợp tác nào với chuyên gia nước ngoài, thưa Thiếu tướng?
Trong những năm tới, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đơn vị tiếp tục báo cáo với Đảng, Nhà nước, Quây ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cho phép đơn vị tiếp tục có hợp tác, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của bạn mà trực tiếp là các chuyên gia và Trung tâm nghiên cứu vi sinh Mát-xcơ-va (Nga).
Trên cơ sở đó tiếp tục có những nghiên cứu hoàn thiện quy trình, công nghệ để tiến tới nắm chắc và làm chủ hoàn toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đối với công tác kỹ thuật, chúng ta tiếp tục nghiên cứu thay thế, đổi mới để hoàn thiện hệ thống kỹ thuật đồng bộ, tự động hóa cao bảo đảm thông số môi trường, phục vụ đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh để phục vụ nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế mỗi lần tới Việt Nam được vào Lăng viếng Bác.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Để phát huy sức mạnh tổng hợp và tạo dựng được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài quân đội đối với nhiệm vụ của đơn vị; trong những năm qua, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã chủ động kết hợp với Viện Khoa học Công nghệ Quân sự, Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Y Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… hoàn thành nhiều đề tài khoa học và được triển khai có hiệu quả tốt. Qua quá trình hợp tác nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ của đơn vị đã tiếp thu và học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là cán bộ trẻ, mới ra trường và số cán bộ ít có điều kiện tiếp xúc với trang thiết bị mới, hiện đại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần