Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ gìn nhân cách của người thầy

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ngày nay, sự việc cô giáo chửi bới, xúc phạm, ép học sinh đi học thêm tại Ninh Bình và cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ tiền mua laptop tại TP Hồ Chí Minh đã gây bất bình trong dư luận và phụ huynh học sinh.

Hai cô giáo đã nhận sai

Phản ứng dữ dội của dư luận trước cách hành xử của hai cô giáo nêu trên cho thấy, các cô đã chạm đến giới hạn của đạo đức nhà giáo. 

Sự việc bắt đầu bằng việc một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã gửi đơn kèm file ghi âm tố cáo cô giáo N.T.V. (giáo viên chủ nhiệm lớp 4B) đã có những lời nói xúc phạm và hành vi không đúng chuẩn mực, gây áp lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của học sinh. Trong đơn, phụ huynh cũng phản ánh việc cô N.T.V. có liên tục "ép" học sinh đi học thêm.

Trường Tiểu học Chương Dương, Quận 1, TP Hồ Chí Minh - nơi xảy ra sự việc cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ mua laptop. Ảnh: TL
Trường Tiểu học Chương Dương, Quận 1, TP Hồ Chí Minh - nơi xảy ra sự việc cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ mua laptop. Ảnh: TL

Nhận được thông tin, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã tạm đình chỉ công tác đối với cô giáo N.T.V. để các cơ quan chức năng và nhà trường xác minh, làm rõ.

Tiếp đến là sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Chương Dương, Quận 1, TP Hồ Chí Minh khi cô T.P.H - giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3 xin phụ huynh hỗ trợ tiền mua laptop.

Theo đó, trong buổi họp phụ huynh sáng 14/9, cô H nói bị mất laptop nên mong phụ huynh ủng hộ tiền cho cô mua máy mới. Các phụ huynh đồng ý đóng góp vì nghĩ đây sẽ là tài sản chung của lớp. Phụ huynh tính toán mua máy khoảng 5 - 6 triệu đồng cộng với chi tiêu các khoản khác nên đề xuất đóng 200.000 - 500.000 đồng/người, tùy khả năng.

Nhiều phụ huynh không đồng ý với cách làm này của cô, sau đó cô nhắn là không lấy khoản ủng hộ và không soạn đề cương cho lớp. Các ngày sau cô giáo mở YouTube cho học sinh xem trong giờ dạy, khiến một số em theo không kịp.

Chưa dừng lại, phụ huynh còn tố cô H bán đồ ăn uống như xúc xích, mì gói, nước ngọt, bánh tráng trộn cho học sinh và xảy ra tình trạng học sinh vừa học bài vừa ăn; hay có lúc cô mở YouTube, học sinh ngồi dưới làm bài, còn cô thì ngồi trên ăn.

Liên quan đến vấn đề này, cô H cho biết, nhà cô ở xa trường nên có những lúc đến trường chưa ăn sáng. Vì vậy, cô luôn mua sẵn mấy gói mì để hôm nào không kịp ăn sáng thì vào trường nấu ăn. Khi học sinh đói, muốn ăn thì cô bán cho học sinh; một hộp mì và một cây xúc xích cô bán với giá 20.000 đồng, “học sinh có tiền thì trả còn không thì thôi”.

Không yên tâm để con tiếp tục học cô H, nhiều phụ huynh đã kiến nghị đổi giáo viên chủ nhiệm và thời điểm nhà trường chưa bố trí được, phụ huynh tạm cho con nghỉ học.

Trần tình về sự việc, ban đầu cô H cho rằng việc nhờ phụ huynh hỗ trợ máy tính là việc bình thường nhưng sau đó cô nhận sai vì đã “không hiểu thông tư về xã hội hóa”. Hiện cô H đã bị tạm đình chỉ công tác trong 15 ngày để nhà trường xác minh sự việc.

Đáng lưu ý, cả cô V và cô H đều là giáo viên lâu năm, có kinh nghiệm, được công nhận là giáo viên dạy giỏi và có uy tín trong ngành. Sau khi sự việc xảy ra, hai cô đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe và mong sự việc sớm khép lại.

Giữ gìn nhân cách nhà giáo

Theo dõi diễn biến của hai sự việc nêu trên, đông đảo dư luận bày tỏ nỗi bất bình về lối hành xử của hai cô giáo và cho rằng, lối hành xử đó đã làm mất đi hình ảnh người thầy đáng tôn kính. 

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ai cũng mắc sai lầm trong cuộc sống; các cô giáo đã nhận lỗi và chịu hình phạt thì không nên nhắc đi nhắc lại sự việc. Phụ huynh hãy bao dung hơn và cho các cô cơ hội để quay lại cuộc sống bình thường.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm về hai sự việc nêu trên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, trường học luôn gắn với khẩu hiệu: "Tiên học lễ, hậu học văn”; “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Ở trường, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò. Người thầy không chỉ giáo dục học trò bằng tri thức và còn bằng nhận cách của chính mình và nhân cách của người thầy có vai trò giáo dục vô cùng quan trọng.

“Thầy giáo là người truyền lửa, người dẫn dắt học trò cả kiến thức và cách sống. Người thầy cần thấy được sứ mệnh đó của mình để sống mẫu mực hơn, yêu thương, tha thứ nhiều hơn. Khi thầy cô cho đi nhiều hơn thì sẽ nhận được nhiều hơn sự nể trọng, yêu mến, kính phục của học trò” - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Người thầy, ngoài có kiến thức còn phải có văn hóa ứng xử; phải biết người biết ta; biết được điều gì là quan trọng, điều gì là cốt yếu và không nên để mình vướng vào những điều lặt vặt để rồi đánh mất cả nhân cách, phẩm chất, đạo đức.

"Vẫn biết, đời sống nhà giáo còn khó khăn khi đồng lương thấp nhưng khi đã quyết định học và làm nhà giáo, phải đối đãi văn hóa, mẫu mực với học trò từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT; không phải với học sinh nhỏ thì muốn làm gì thì làm. Người làm nghề giáo cần hiểu thấu đáo điều đó để cân nhắc trong hành xử, tuyệt đối tránh sự tùy tiện. Nhân cách của người thầy cần được thường xuyên vun đắp, chăm lo, giữ gìn và tuyệt đối đừng đánh mất bởi đã mất rồi thì khó lòng lấy lại được” - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Trong các thông tư, dự thảo của Bộ GD&ĐT trước đó, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh không được dùng vào việc gì; đạo đức nhà giáo, những việc nhà giáo không được làm, nguyên tắc dạy thêm học thêm... đều được quy định rõ.

Cụ thể, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học kinh phí để mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường.

Cùng với đó, Dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định một trong những trách nhiệm của nhà giáo là giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Đồng thời nghiêm cấm nhà giáo có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể của người học.