Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Văn minh lễ hội cũng là một trong những trọng điểm được đề cập tại Chỉ thị 30.
Lễ hội hôm nay không y chang phong thái thuở xưa vì thuận theo lẽ tự nhiên của thời đại, thế nhưng hồn phách và phong vị của đất Thăng Long - Hà Nội vẫn vẹn nguyên ở đó, trong lễ hội và trong trái tim người Hà Nội
Ai đó ví Thủ đô như “cái nôi” văn hóa của cả nước cũng phải, bởi chốn Kinh kỳ tụ hội xưa nay này ôm trong lòng cả “kho” lễ hội lớn, đậm đà văn hóa truyền thống của người Việt qua nhiều thời kỳ. Đây có thể coi như báu vật văn hóa truyền thống mà người Hà Nội cần lưu giữ và phát triển như một nhánh của công nghiệp văn hóa hôm nay.
Người làm văn hóa Thủ đô đã “đếm” được hơn 1.500 lễ hội truyền thống với quy mô tổ chức khác nhau, mà phần lớn đều khai màn mở hội vào mỗi độ Xuân đến bên thềm Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa); lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức)... và nhiều hơn thế nữa, cứ mùng 5, mùng 6 tháng Giêng năm nào cũng tưng bừng trống dong cờ mở, dập dìu đón khách thập phương vào hội.
Từ độ còn chơi trốn tìm cùng đám trẻ phố trong ngõ Tạm Thương, tôi đã được bà nội kể cho nghe về lễ hội mang tên Thánh Gióng trong truyền thuyết cưỡi ngựa nhổ tre đánh đuổi giặc Ân ở mạn ngoại thành phía Bắc Hà Nội. Ở đó có nghi thức rước voi, khai quang, dâng hoa đền Thượng…
Ở đó, người dân địa phương hóa thân thành Ông Hiệu, Cô Tướng, phường áo đen, phường áo đỏ để thực hiện nghi lễ Thánh linh thiêng và diễn kịch trường dân gian. Ở đó, quãng thời gian trước Tết, dân làng đã kỳ công đan voi, làm giò hoa tre, chuẩn bị cỏ voi… làm vật tế tại lễ hội.
Đi qua bao tháng năm đời người, giờ tóc pha khói sương, tôi vẫn thấy lễ hội Gióng hân hoan mỗi độ mưa Xuân lắc rắc bay trong ngày mùng 6 Tết. Trên đỉnh núi Sóc ngày xưa giờ đã có tượng đài Thánh Gióng hùng dũng và phóng khoáng, song lễ rước linh thiêng, giò hoa tre độc đáo… vẫn vẹn nguyên ở lễ hội dưới chân núi Sóc đó để ghi dấu một lễ hội truyền thống riêng có của vùng đất sơn thủy hữu tình.
Tôi vẫn còn nhớ hồi những năm 1980, bà nội tay làn tay nón hành hương đi lễ chùa Hương mà đợi trông đến lạ. Đợi bà về kể cho nghe về chuyến đò mộc trên dòng suối Yến trong vắt, kể về chặng bộ hành qua các bậc thang đá để lên được Động Hương Tích linh thiêng…
Thuở ấy, lần hành hương đến Nam Thiên Đệ Nhất Động nào của bà cũng 3 - 4 ngày mới trọn vẹn hành trình. Và lần nào, bà cũng mang theo về một cây gậy trúc mà bà đã dùng làm “điểm tựa” để băng qua các bậc thang đá trơn và ướt vì thấm đẫm mưa Xuân. Giờ khách hành hương về Hương Tích lễ Phật sau khi ngồi xuồng ngắm suối Yến thơ mộng đã có cáp treo nâng đỡ những bàn chân bớt đi việc leo bậc đá… song lễ hội nơi ấy vẫn làm say lòng người đương thời vì cảnh sắc “kỳ sơn tú thủy” thiên nhiên ban tặng mà đến hẹn tháng Giêng lại tìm về.
Lễ hội Xuân Hà Nội luôn là một phần lóng lánh và ấm áp trong tôi, cho những người Hà Nội như tôi “kiêu ngạo” mà rằng: Hà Nội luôn biết cách khiến mọi người nhớ thương. Bởi lễ hội nào củaHà Nội cũng đều mang đến những giá trị tinh thần giá trị cho người dân Thủ đô và du khách gần xa. Bởi các hoạt động trong lễ hội Hà Nội đều gắn liền với hành trình phát triển của xã hội, góp phần giữ gìn truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, đời sống tâm linh của cộng đồng và dân tộc.
Lễ hội ở Hà Nội có quy mô khá lớn, nhiều nghi thức truyền thống ý nghĩa, nhưng không thiếu các trò chơi dân gian thú vị. Cứ nhìn xuyên qua màn mưa Xuân cũng thấy, lễ hội Cổ Loa trải qua hàng nghìn năm tuổi vẫn giữ nguyên được truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, vẫn có sự tham gia độc đáo của “bát xã”, có lễ rước kiệu, lễ bái linh thiêng, có cả trò đấu vật, bắn nỏ, thổi cơm thi, đu tiên, hát trù, hát tuồng…
Lễ hội Gò Đống Đa có lịch sử hơn 200 năm tuổi, nhưng vẫn giữ nguyên được nghi thức và tinh thần vốn có. Ngoài nghi thức rước kiệu, đến giờ vẫn vẹn nguyên nghi thức dâng 6 tuần rượu, vẫn còn màn múa lân, múa rồng, đội nghi thức, cờ lọng rực rỡ sắc màu… Rồi lễ hội chùa Thầy vẫn còn nghi lễ Mộc Dục (tắm tượng), cúng an vị…, vẫn còn múa rối nước tại Thủy Đình, vẫn còn trò bịt mắt đập niêu…
Chẳng phải ngẫu nhiên mà mùa lễ hội năm nào, người Hà Nội cũng rộn ràng, náo nức đến thế. Các địa phương chủ thể của lễ hội đã gìn giữ di sản của mình như những báu vật ngàn đời, còn người Hà thành thì đón nhận nó như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần nơi đô hội.
Quyết giữ lấy hồn cốt, thần thái của từng lễ hội riêng có, nhưng các chủ thể của lễ hội còn sáng tạo các nội dung hấp dẫn, thích nghi với đời sống xã hội đương đại, dựng các barie hữu hiệu để cản lối những biến tướng phát sinh ở chốn đông người. Bản thân các nhà quản lý văn hóa Hà thành cũng đau đáu bảo tồn lễ hội và câu chuyện văn hóa trong lễ hội, nên lễ hội luôn rực rỡ sắc màu trong tiết Xuân dù đây đó còn những ì xèo bàn cãi.
Chẳng nói đâu xa, mùa lễ hội 2024 này đã có nhiều mới mẻ trong công tác tổ chức để các không gian văn hóa ấy được diễn ra trong bầu không khí an toàn, văn minh. Ban Tổ chức lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sắp xếp bãi đỗ xe riêng không thu phí, không cho phép các hàng quán bán hàng để bảo đảm an toàn, văn minh, vệ sinh môi trường.
Lễ hội Gióng đền Sóc của huyện Sóc Sơn lùi thời gian hành lễ muộn hơn một tiếng so với mọi năm, đồng thời mở rộng không gian trải nghiệm nghệ thuật do người dân các thôn thực hiện
Lễ khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng của huyện Mê Linh diễn ra vào buổi tối thay vì buổi sáng như mọi năm, sau đó trình chiếu bộ phim 3D mapping để ca ngợi, tưởng nhớ công lao của Hai Bà.
Riêng lễ hội chùa Hương - một lễ hội lớn nhất và dài nhất của Việt Nam, đã tập trung đổi mới nhiều trong công tác tổ chức. Không chỉ chỉnh trang cảnh quan, không gian, lắp đặt pa nô, backdrop, bồn hoa cây cảnh dọc tuyến đường Tỉnh lộ 419 và tuyến đi bộ hai bên bờ suối Yến, mà việc bán vé cũng được chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình điện tử. Rồi còn thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương vận chuyển thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách; tiếp tục vận hành thử nghiệm đưa xe điện vào vận chuyển trong khu vực lễ hội…
Đáng nói hơn cả là đón mùa lễ hội năm nay, ngành văn hóa Thủ đô còn ban hành Bộ Tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Ở đó, Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2024, 70% các lễ hội bảo đảm các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao đã gửi công văn đề nghị các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý nghiêm những hiện tượng phản cảm, trục lợi trong lễ hội; khuyến khích các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hạn chế đốt vàng mã; không đặt tiền lẻ tại các ban thờ…
Xuân chưa cạn ngày, lễ hội vẫn đang dập dìu bước chân người Hà thành. Điều vui là những lời ì xèo về hiện tượng chen lấn, xô đẩy cướp vật thiêng, về hiện tượng “chặt chém”, cướp khách, hình ảnh phản cảm trái thuần phong mỹ tục… không ầm ĩ trên cõi mạng như vài lần đã thấy, không làm rầu lòng những người yêu Hà Nội bấy lâu.
Với những người yêu Hà Nội và say đắm lễ hội Xuân Hà Nội như tôi thì đây chính là con đường bảo tồn vốn di sản văn hóa đúng để đi đến đích thanh lịch - văn minh - hiện đại mà Hà Nội đang từng ngày dựng xây.