Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ lại hồn Việt...

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để làm rõ hơn loạt bài viết dài kỳ của báo Kinh tế & Đô thị về làng cổ, nhà nghiên cứu lịch sử Phan Văn Thắng chia sẻ: “Lịch sử thế giới đã chứng minh muốn lưu giữ được làng nghề truyền thống ngoài việc phải có một không gian cho lịch sử làng nghề.

Điều quan trọng không kém là chúng ta phải lưu giữ bằng được cái hồn cốt của nghề truyền thống. Khách du lịch, người nước ngoài đến đây không chỉ vì cần mua một sản phẩm mà họ muốn biết thêm những giá trị văn hóa phi vật thể”.
Trong hơn 1.200 làng nghề của Hà Nội thì những làng nghề cổ nổi tiếng như Bát Tràng, Cự Đà không nhiều. Nếu như gốm Bát Tràng không chỉ dừng lại chiếm lĩnh ở một số thị trường truyền thống như Nhật, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Đức mà đang tìm đường đi Mỹ và lan rộng trong khu vực EU thì miến và tương của Cự Đà cũng đang tìm đến các quốc gia sử dụng lúa, gạo làm thực phẩm chính.

Trải qua bao thăng trầm của đất kinh thành, làng cổ Cự Đà ngày nay vẫn giữ gìn vẹn nguyên những nét cổ kính, mộc mạc, những sản phẩm truyền thống đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ. Nói đến 2 chữ Cự Đà là người ta sẽ hình dung ngay về một làng cổ bên dòng Nhuệ Giang nổi tiếng với nghề làm miến và tương. Hay nói cách khác là nếu không còn làm miến và tương thì Cự Đà sẽ không còn những đặc trưng cơ bản nhất của làng cổ ven sông, dễ lẫn vào bao nhiêu làng quê khác của đất Việt.

Đến thăm làng nghề cổ, điều đầu tiên là phải khâm phục cha ông ta đã có quy hoạch độc đáo phù hợp với một làng quê vừa làm nông nghiệp, vừa thương mại. Giữa làng là đường trục chính chạy song song bên dòng sông Nhuệ, các đường ngang ngõ tắt tạo thành hình xương cá mang nét đặc trưng riêng. Các xóm đều có cổng riêng kiên cố chạy dài ra đến sông với những thềm gạch vươn tận mép nước. Các xóm Lễ Nghĩa, xóm Hiếu Đễ… đều có những căn nhà cổ có giá trị kiến trúc cao với hoa văn chạm khắc tinh xảo. Các cụ cao tuổi kể trước đây, ở làng Cự Đà còn có bến thuyền buôn bán tấp nập quanh năm suốt tháng trên dòng sông Nhuệ.

Đến đến Cự Đà vào những ngày nắng đẹp, chỉ cần qua cổng làng thôi là đâu đâu cũng thấy những dải lụa bằng miến. Dòng “suối miến” trong nắng cứ thế nối tiếp nhau tầng tầng, lớp lớp, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp đã khiến cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã cho ra đời những tấm ảnh đẹp đến nào lòng.

Đặc trưng của miến Cự Đà là khi nấu lên có mùi thơm và dai. Chính điều này đã khiến cho tiếng tăm của sản phẩm của làng nghề này đã bay xa khắp vùng Bắc Bộ. Muốn được thế người làng đều phải cẩn trọng và tận tụy hết mình trong từng công đoạn, từ khâu chọn loại củ dong riềng ngon, đem xay thành bột. Ngay cả công đoạn phơi miến tưởng đơn giản cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, phải canh thời gian, canh nắng sao cho khi cắt ra sợi miến không bị vụn, bị nát. Miến phơi phải đủ nắng, rồi chia nhau cắt nhỏ thành sợi đủ dài, đủ nhỏ, đủ mịn và… “đủ miệng ăn” để vừa nhìn là biết đây là miến của làng Cự Đà.

Vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do lợi nhuận nên tại Cự Đà giờ chỉ còn độ 10 gia đình theo nghề. Điều đó đã tạo nên sức ép cho chính quyền địa phương, bởi đến làng nghề Cự Đà mà không thấy “suối miến” hay các bà, các chị ngồi cắt miến thì các hồn quê đã bay đi khá nhiều.

Cự Đà còn một đặc sản nổi tiếng khác là tương - thứ nước chấm truyền thống trên mâm cơm của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. So với nghề làm miến thì nghề làm tương của Cự Đà còn gặp nhiều thử thách hơn bởi tại đây giò chỉ còn 6 -7 hộ tham gia làm nghề. Số người có hơn 60 năm làm nghề như ông Đinh Trọng Tình (hơn 80 tuổi), dòng họ có thâm niên làm tương Cự Đà (5 đời) không còn nhiều.

Để làm tương phải có 4 nguyên liệu chính là đậu tương, gạo nếp, nước và muối. Mùa làm tương được bắt đầu bằng mùa rau muống, khoảng từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Mỗi công đoạn làm tương đều rất cầu kỳ, kể từ lúc chọn gạo, thổi xôi cho đến tương thành phẩm phải mất khoảng một tháng. Để bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm quy trình sản xuất tương nếp Cự Đà khá khắt khe. Điều này khiến cho giá thành của nó khó cạnh tranh với các loại nước chấm khác, nhất là nước chấm công nghiệp đang ngày càng phát triển.

Những khó khăn của làng nghề cổ truyền thống Cự Đà cũng là khó khăn chung của nhiều làng nghề khác trên mảnh đất hình chữ S đang gặp phải. Nếu xem miến, tương đơn thuần là sản phẩm thương mại thì nó sẽ rất khó cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước. Đã đến lúc chúng ta phải thiết kế những sản phẩm văn hóa - du lịch để hỗ trợ thêm cho các làng nghề truyền thống đặc sắc. Để du khách tìm đến Cự Đà không phải chỉ nhu cầu thỏa mãn nhu cầu nếm, ăn mà đôi khi chỉ là tận mắt muốn nhìn những sợi miến vàng, những hũ tương thơm.