Nghề của người… có tuổi
Từ khi lên 8 tuổi, chị Bùi Thị Thuý đã được làm quen với các công đoạn của nghề làm nón lá. Đến nay, chị đã có hơn 35 năm gắn bó với nghề. Nhớ lại thời cực thịnh của nghề làm nón nơi đây, chị Thúy không khỏi nuối tiếc. Đó là giai đoạn nón làng Chuông theo đôi quang gánh, những chuyến xe hàng đi khắp các khu chợ lớn, nhỏ của Hà Tây (trước đây) và phố phường Hà Nội.
Nón làng Chuông được giới thiệu tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2019. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Tuy nhiên, sự chuyển mình của xã hội khiến việc tiêu thụ những chiếc nón lá ngày một khó khăn hơn. Đô thị hóa thu hẹp những diện tích đất nông nghiệp. Người nông dân chuyển sang đi làm thuê tại các công xưởng, nhà máy... Những chiếc nón lá vốn gắn liền với hình ảnh cần cù, chịu thương chịu khó của những người nông dân bởi vậy cũng dần thưa vắng.
Theo chia sẻ của nhiều người dân làng Chuông, nếu như vài chục năm về trước, ở xã Phương Trung, gần như 100% hộ dân có một hoặc nhiều người tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón lá, thì nay, con số này đã giảm chỉ còn khoảng 1.500 hộ, tương ứng với khoảng 30% tổng số hộ toàn xã.
Không chỉ vậy, những người còn gắn bó với nghề làm nón lá ở làng Chuông hầu hết là phụ nữ trung tuổi và người già. Thanh niên nơi đây phần lớn lựa chọn rời xa quê hương để đi làm công, bởi lẽ: Ở nhà làm nón thì… không đủ ăn.
Thích ứng với thị trường
Do nhu cầu về nón lá phục vụ che mưa, tránh nắng giảm sút nên hiện nay, các hộ còn theo nghề chủ yếu sản xuất các loại nón thời trang. Đòi hỏi của thị trường cũng thúc đẩy một bộ phận người sản xuất phải liên tục đổi mới mẫu mã, chất liệu sản phẩm… Đi đầu trong số này phải nhắc tới nghệ nhân Tạ Thu Hương.
Chị Hương là một người con, sinh ra và lớn lên tại làng Chuông. Trước nguy cơ nón lá dần mai một, chị đã mạnh dạn cách tân sản phẩm này. Điển hình là việc vẽ tranh phong cảnh Việt Nam lên những chiếc nón lá. Đặc biệt, đầu năm 2019, chị đã mạnh dạn thử nghiệm việc sử dụng chất liệu lụa Hà Đông để làm ra những chiếc nón lá. “Nón lá trên lụa Hà Đông” được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội biểu dương là sản phẩm sáng tạo năm 2019, đang mang tới thành công nhất định cho chị.
Hiện, sản phẩm nón lá sản xuất tại cơ sở của chị Hương đã đến được với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm, cơ sở xuất khẩu từ 15.000 - 20.000 chiếc, chiếm khoảng 40% tổng số nón lá sản xuất trong năm.
Dù vậy, số lượng hộ có thể sống khỏe trước thay đổi của thị trường như cơ sở của chị Hương tại xã Phương Trung lại chưa nhiều. Phần lớn các hộ còn làm nghề không có khả năng tự cải tiến sản phẩm. Trong khi đó, bài toán thị trường tiêu thụ hiện cũng còn rất nan giải.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Trung Lê Văn Hùng cho biết, địa phương dự kiến sẽ xây dựng, phát triển nón lá làng Chuông thành sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Điều này hứa hẹn góp phần đưa “nón Chuông” tiếp cận được sâu rộng với những thị trường mới.
Cùng với tích cực triển khai mục tiêu trên, theo ông Hùng, xây dựng làng Chuông trở thành điểm du lịch làng nghề cũng là giải pháp cần được tính đến. Để phụ trợ cho mục tiêu trên, người nông dân nơi đây rất cần được tập huấn, đào tạo, nâng cao tay nghề.
Đồng thời, được thông tin định hướng thị trường, và tạo điều kiện để tham gia các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề... Chỉ khi đó, nón Chuông mới đến được với đông đảo người dân trong nước và du khách quốc tế.