Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ lửa làng gốm cổ Kim Lan

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng gốm Kim Lan (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm) được biết đến là một trong những làng gốm đầu tiên của Hà Nội.

Sản phẩm gốm sứ của làng Kim Lan (huyện Gia Lâm) tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn
Sản phẩm gốm sứ của làng Kim Lan (huyện Gia Lâm) tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của TP Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn

Dù vậy, trong xu thế thị trường cạnh tranh hiện nay, sự phát triển của làng gốm ven sông Hồng này đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức.

Doanh thu khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm

Qua khai quật di chỉ tại bãi Hàm Rồng vào các năm 2001 và 2003, cơ quan chức năng xác định nghề gốm ở làng Kim Lan đã có từ khoảng thế kỷ thứ VIII, phát triển hưng thịnh cho đến thế kỷ thứ XVIII. Từ thế kỷ thứ VIII, gốm Kim Lan đã được xếp vào hàng những sản vật quý. Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ XVIII, nghề gốm nơi đây dần mai một.

Từ những năm 1979 - 1980, làng gốm Kim Lan bắt đầu phục hồi trở lại. Đến những năm 1990, tại làng gốm Kim Lan có khoảng 750 lò sản xuất gốm sứ. Tuy nhiên, đến năm 2010, khi gặp phải sự cạnh tranh lớn trên thị trường gốm sứ, nhất là các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, số lò gốm ở làng Kim Lan giảm dần.

Chị Nguyễn Thị Huệ, chủ một lò gốm ở xã Kim Lan cho biết, trước khó khăn chung của thị trường, nhiều hộ trong đó có gia đình chị, đã phải đầu tư để thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất lò than sang lò gas. Sản phẩm cũng được đa dạng hóa, ngoài các loại chậu, phần lớn các hộ sản xuất thêm đồ thờ cúng, gạch ngói xây dựng, lọ hoa…

Hiện, toàn xã Kim Lan có khoảng 400 lò gốm. Hàng nghìn hộ dân tham gia vào một trong các công đoạn của nghề. Hiện nay, có khoảng 70% người lao động tại làng Kim Lan tham gia làm gốm. Giá trị kinh tế từ gốm sứ mang lại mỗi năm ước khoảng 500 tỷ đồng, chiếm hơn 75% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã Kim Lan.

Ông Đào Văn Thịnh, ở thôn 5 xã Kim Lan cho biết, hiện nay gia đình chuyên sản xuất bình, mâm, bát hương bằng gốm sứ. Hàng tháng, hộ ông Thịnh đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm. Nghề gốm không chỉ mang lại thu nhập khá cho gia đình ông mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, với ngày công trung bình khoảng 300.000 đồng.

Hai bài toán cần lời giải

Tuy đã được phục hồi nhưng sự phát triển của làng gốm Kim Lan vẫn đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, cạnh tranh thương hiệu và thị trường tiêu thụ là những khó khăn lớn nhất mà chính quyền địa phương vẫn đang đau đáu tìm lời giải.

Thực tế, dù có lịch sử hàng ngàn năm nhưng thương hiệu gốm sứ Kim Lan vẫn chưa được nhiều người biết đến giống như sản phẩm của làng gốm Bát Tràng. Điều đó dẫn tới hiện thực đáng buồn là việc nhiều hộ ở làng gốm Kim Lan sản xuất sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, nhưng phải mượn danh gốm sứ Bát Tràng để tiêu thụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan Nguyễn Thị Thu Phương, hiện nay địa phương đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể “Gốm sứ Kim Lan”. Đồng thời tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và tự tin sử dụng nhãn hiệu, dán trên các sản phẩm gốm sứ nhằm quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng.

Ông Phạm Văn Nguyên, một hộ sản xuất gốm sứ tại làng Kim Lan cho biết, gia đình xác định muốn phát triển lâu dài cần có hướng đi riêng và khẳng định được thương hiệu gốm sứ của quê hương. Chính vì vậy, gia đình đã dán logo “Gốm cổ Kim Lan” lên từng sản phẩm khi đưa ra thị trường. “Tôi tin rằng với sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh thì gốm sứ Kim Lan sẽ từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường” - ông Nguyên bày tỏ.

Được biết, xã Kim Lan cũng đã thành lập được hội gốm sứ, có hợp tác xã chuyên ngành về gốm sứ để đại diện ký hợp đồng tiêu thụ với các đối tác. Bên cạnh đó, địa phương hỗ trợ chủ thể là thành viên hội, hợp tác xã tiếp cận các kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ như tham gia các hội chợ, tuần hàng... do TP Hà Nội tổ chức.

Đặc biệt, những năm gần đây, xã hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm để tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hiện, nhiều sản phẩm gốm sứ của làng Kim Lan đã được UBND TP Hà Nội đánh giá, công nhận đạt 4 sao OCOP. Đây chính là sự ghi nhận, khẳng định về chất lượng và mẫu mã của gốm sứ Kim Lan, tạo điều kiện để sản phẩm nơi đây ngày một phát triển.

 

Nếu như làng Bát Tràng nổi tiếng với các sản phẩm gốm mỹ nghệ thì làng Kim Lan tự hào là quê hương của sản phẩm gốm gia dụng. Điều làm nên khác biệt của gốm Kim Lan đó là sản phẩm không cầu kỳ về chi tiết mà đơn giản, hài hòa và tạo sự tiện dụng…
Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan Nguyễn Thị Thu Phương