Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ nét đẹp ứng xử trong gia đình

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, Hà Nội là một trong 12 tỉnh, TP trên cả nước được Bộ VHTT&DL lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Sau một năm triển khai thí điểm tại xã Phú Cường (huyện Ba Vì) và phường Khương Trung (quận Thanh Xuân), bộ tiêu chí đã góp phần củng cố các chuẩn mực giá trị đạo đức và văn hóa gia đình.

Lễ phát động triển khai thí điểm bộ tiêu chí ứng xử tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. Ảnh: Thanh Thủy
Chuyển biến trong nhận thức
Theo Sở VH&TT Hà Nội, trên địa bàn 2 xã, phường được chọn thí điểm, một bộ phận Nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên chưa quan tâm, chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về tiêu chí ứng xử trong gia đình. Vì vậy, những hành động, thái độ ứng xử với những người thân trong gia đình còn chưa khuôn phép, lệch lạc, chưa coi trọng các giá trị truyền thống của gia đình, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, sa vào tệ nan xã hội. Thói quen gia trưởng, trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng, thờ ơ, lãnh đạm còn tương đối phổ biến.
Từ thực trạng trên, theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, việc ban hành bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là cần thiết nhằm ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội. Đồng thời nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình. Sau một năm thực hiện, bộ tiêu chí đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của 600 hộ gia đình tại 2 xã, phường. Các hộ được lựa chọn có sự đa dạng về các loại hình gia đình, tuổi tác, trình độ học vấn, nghề nghiệp… Trong đó, 150/600 hộ gia đình đăng ký thực hiện tiêu chí ứng xử vợ chồng (25%), 139/600 hộ đăng ký ứng xử của anh, chị, em (25%)…
Theo kết quả đánh giá của Sở VH&TT Hà Nội, sau thời gian triển khai thí điểm, Nhân dân trên địa bàn đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện. Kết quả của việc thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử tại Hà Nội sẽ tạo tiền đề quan trọng để tiến tới triển khai, áp dụng chính thức bộ tiêu chí trên phạm vi cả nước.
Tiếp tục triển khai rộng rãi
Để tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp của bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết: “Năm 2020, sẽ có thêm 5 xã, phường, thị trấn được chọn lựa để triển khai thực hiện bộ tiêu chí, gắn với nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu văn hóa và thực hiện hai quy tắc ứng xử của TP. Cụ thể, tổ chức lễ phát động đăng ký thực hiện bộ tiêu chí; tổ chức các chương trình tọa đàm, giao lưu với chuyên gia cũng như thực hiện nhiều hình thức động viên, khen thưởng khác, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động đối với tầm quan trọng của công tác gia đình ở địa phương.
Tuy nhiên, theo Sở VH&TT Hà Nội, việc triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế do đối với một bộ phận người dân, việc đăng ký thực hiện tiêu chí còn mang tính hình thức. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện bộ tiêu chí này. Đồng thời, lối sống bảo thủ, lạc hậu, coi thường các giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội gây khó khăn cho việc triển khai bộ tiêu chí. Mặt khác, nguồn lực cho việc thực hiện bộ tiêu chí còn hạn chế.
Do vậy, Sở VH&TT Hà Nội sẽ tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở; tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế hoạt động công tác gia đình, làm điểm tựa thúc đẩy thi đua thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giữa các địa phương. Đồng thời, Sở VH&TT Hà Nội sẽ tăng cường tổ chức tập huấn, cung cấp kiến thức cơ bản về gia đình và các kỹ năng truyền thông, vận động, tổ chức sinh hoạt mô hình, CLB cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp.