Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ nguyên mức phạt nồng độ cồn, tránh chủ quan khi tham gia giao thông

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn mức thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt hiện tại đang đem lại hiệu quả tích cực, giảm mức phạt sẽ tạo tâm lý chủ quan cho nhiều người uống rượu, bia vẫn tham gia giao thông.

Đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn

Bộ Công an đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX). Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất hạ mức xử phạt tiền đối với chủ phương tiện có nồng độ cồn thấp.

Cụ thể, Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, quy định phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Việc hạ mức xử phạt đối với người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông dễ dân đến tình trạng chủ quan với tâm lý uống một tí không sao.
Việc hạ mức xử phạt đối với người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông dễ dân đến tình trạng chủ quan với tâm lý uống một tí không sao.

Tuy nhiên, Bộ Công an nhận định để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi, cơ quan soạn thảo đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019 đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn ở mức thấp.

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Thêm vào đó, dự thảo đề xuất giảm mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng xuống 400.000 - 600.000 đồng đối với người lái xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài ra, Bộ Công an đề xuất giảm mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng xuống 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người lái xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, Bộ Công an đề xuất vẫn giữ nguyên mức phạt như quy định hiện hành.

Phạt nặng tạo tính răn đe

Thời gian qua, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đã và đang đem lại những hiệu quả tích cực trong công tác kéo giảm tai nạn giao thông.

Theo thống kê của Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội), trong 6 tháng đầu năm 2024 lực lượng này đã xử lý 17.897 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 81,776 tỷ đồng, tạm giữ 17.879 phương tiện, tước giấy phép lái xe 5.178 trường hợp.

Trung bình kiểm tra 564 ô tô phát hiện 1 trường hợp và 31,4 trường hợp xe máy phát hiện 1 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Mặc dù, người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã được kéo giảm đáng kể. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra thực tế hàng ngày trên đường của lực lượng chức năng vẫn còn nhiều trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở khi điều khiển phương tiện.

Anh Nguyễn Văn Hùng, trú tại quận Hà Đông Chia sẻ: “Người dân chúng tôi khi tham gia giao thông chấp hành không uống rượu bia vì mức phạt khá nặng, chỉ cần uống một chút cũng có thể bị phạt mất cả tháng lương. Do vậy, việc phạt nặng, xử nghiêm như hiện nay đã đang tạo được hiệu ứng rất tích cực trong tâm lý người tham gia giao thông”.

Quan tâm đến vấn đề này, anh Lê Đình Long, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Có thể giảm mức phạt theo như đề xuất nhưng để mang tính chất răn đe, cần tăng thời gian tạm giữ bằng lái xe. Những người thường xuyên di chuyển ngoài đường như tôi, việc bị giữ bằng lái xe còn ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống hơn bị phạt tiền nên rất sợ”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giảm mức tiền phạt đối với hành vi này khi vi phạm ít sẽ dẫn đến tình trạng người dân chủ quan hoặc chấp nhận nộp phạt để có thể sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Chuyên gia xã hội học, thạc sĩ Nguyễn Văn Dương chia sẻ: “Việc giảm số lượng người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông chính là do mức phạt nặng, đủ tính răn đe. Khi giảm tiền phạt, nhiều người sẽ có tâm lý chủ quan uống một chút rượu, bia trước khi tham gia giao thông. Nhiều người sẽ không thể biết là mình đang uống ở mức nhẹ hay đã đến ngưỡng bị xử phạt nặng”.

Theo chuyên gia này, mỗi người khi uống rượu bia sẽ có mức độ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh khác nhau. Không ít người, chỉ uống một chút đã không thể tỉnh táo điều khiển phương tiện. Do vậy, nếu đã cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông thì nên giữ nguyên mức phạt như hiện nay.