Giữ thành quả chống dịch

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đỉnh dịch đã qua hơn 4 tháng nay, nhưng thời gần đây, dịch Covid-19 tại nước ta đang có diễn biến phức tạp trở lại khi biến chủng mới xuất hiện.

Số ca phải nhập viện, ca nặng có chiều hướng gia tăng, điều này làm tăng mối lo ngại quá tải hệ thống y tế. Để giữ vững những thành quả chống dịch, nhất là trong bối cảnh nguy cơ dịch chồng dịch, chúng ta tuyệt đối không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Không để tái bùng phát dịch Covid-19

Theo số liệu của Bộ Y tế, thời gian gần đây, số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.392.859 ca Covid-19, có 10.116.927 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân đang thở oxy là 139 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.110 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Công tác đảm bảo phòng, chống dịch tại một Trung tâm thương mại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Công tác đảm bảo phòng, chống dịch tại một Trung tâm thương mại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Cũng theo số liệu từ Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 254.635.420, trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên: 217.759.014; tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi: 22.092.319 liều; tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi: 14.784.087 liều.

Tại Hà Nội, hiện tại, dịch Covid-19 trên địa bàn TP đang được kiểm soát tốt, trong đó, công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 đã và đang được triển khai hiệu quả. Công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.

Đến nay, kết quả tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho người trên 18 tuổi đạt 98,3%; mũi nhắc lại lần 1 (mũi 4) đạt 68,7%. Ngoài ra, kết quả tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó mũi 1 đạt 65,8% và mũi 2 đạt 33,1%. Kết quả tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, mũi 1 và mũi 2 đều đạt hơn 99%; mũi 3 đạt 48%.

Để triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng, chống Covid-19, không để dịch bệnh bùng phát trở lại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND chỉ đạo tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Trong đó, yêu cầu các đơn vị của TP phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19: Tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế...

Để giữ đà ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không lơ là, chủ quan mất cảnh giác trước dịch bệnh, tiếp tục thực hiện Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, hoàn thành tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 12 tuổi trước tháng 9/2022.

Cùng với đó TP cũng yêu cầu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch.

Ngoài ra, để chủ động phòng, chống dịch Covid-19 an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng cơ sở y tế thu thập mẫu bệnh phẩm, giải trình tự gen, xác định, phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, các cơ sở thực hiện tốt công tác thu dung, quản lý, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, thường xuyên theo dõi, phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng, kịp thời điều trị nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ chuyển nặng, tử vong.

Sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, số ca mắc Covid-19 đang gia tăng trở lại và có thể sẽ gây quá tải hệ thống y tế. Nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác như cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng... đang trong mùa cao điểm cùng với khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...). Chính vì thế, Bộ Y tế đề xuất vẫn giữ Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, các biện pháp phòng, chống cũng cần áp dụng linh hoạt, phù hợp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B. Trong đó, Bộ Y tế đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022 - 2023 trên cơ sở kế hoạch chiến lược chuẩn bị và đáp ứng với các tình huống cụ thể.

Bên cạnh việc kêu gọi người dân tích cực tiêm vaccine Covid-19 qua chiến dịch “Vui Trung thu và tựu trường an toàn”, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, TP tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi.

Để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ gia tăng, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vaccine, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vaccine trên địa bàn, đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia, sử dụng kịp thời, hiệu quả số vaccine phòng Covid-19 được phân bổ, tránh lãng phí.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động, tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra.

Trong ứng phó với các biến thể mới, Thủ tướng giao Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, tăng cường trao đổi, thông tin, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến các chuyên gia để có đánh giá, dự báo diễn biến dịch bệnh do biến thể mới gây ra, triển khai đánh giá miễn dịch cộng đồng, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở; kiên quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.

 

"Để phòng tránh tái nhiễm Covid-19, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là dự phòng cá nhân và tiêm vaccine các mũi nhắc lại. Vaccine phòng Covid-19 hiện nay vẫn có hiệu quả kể cả với chủng mới nên việc tiêm vaccine là rất quan trọng.

Ngoài ra, người dân cũng cần thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát dịch có hiệu quả, đúng theo Nghị quyết 128, nới lỏng nhưng không buông lỏng. Với những biến chủng mới hiện nay, hơn lúc nào hết, điều mỗi người dân cần làm lúc này là nên thực hiện tốt 2K và những khuyến cáo của Bộ Y tế." - PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam