Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữ “tiếng” trống Gia Vĩnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhắc đến các làng nghề làm trống ở Bắc Bộ không thể không kể tới làng trống Gia Vĩnh,...

Kinhtedothi - Nhắc đến các làng nghề làm trống ở Bắc Bộ không thể không kể tới làng trống Gia Vĩnh, xã Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội. Với âm thanh vang, rền, trống Gia Vĩnh từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.

Nghề... nghệ sĩ

Cuối năm cũng là thời điểm làng trống Gia Vĩnh vào vụ sản xuất chính. Mới đến đầu làng đã nghe âm thanh của máy bào, máy cưa xen lẫn tiếng thử trống rộn vang. Trên mảnh sân phơi đầy những tấm da trâu mới thuộc, ông Lê Văn Sở đang chăm chú sơn một chiếc trống trận cao quá đầu người. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về làng nghề, ông vui vẻ bắt chuyện.
Ông Lê Văn Sở đang sơn chiếc trống trận.
Ông Lê Văn Sở đang sơn chiếc trống trận.
Là người đã gắn bó 40 năm với nghề làm trống, ông Sở cũng chẳng biết chính xác nghề này có tự bao giờ. Người làng cứ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, lớp trước truyền nghề cho lớp sau và phát triển cho tới ngày nay. Trống Gia Vĩnh nổi tiếng bởi độ tinh xảo về kiểu dáng, mẫu mã, và chất lượng âm thanh thì khó nơi nào sánh bằng. Trống Gia Vĩnh với nhiều sản phẩm đa dạng như trống đại, trống trung, trống tiểu…, cũng nhờ chất lượng tốt mà trống của làng được thị trường ưa chuộng. Theo ông Sở, nghề làm trống đòi hỏi sự tỉ mẩn, óc thẩm mỹ và khả năng thẩm âm tốt, chính vì vậy mà người ta thường ví người làm trống giống như người nghệ sĩ. Người làm trống phải biết thẩm âm để nắm được độ vang, nền, nẩy của từng loại trống vào từng mục đích sử dụng. Đối với trống hội thì yêu cầu âm trống phải vang xa, rộn ràng, còn đối với trống tế lễ lại yêu cầu âm thanh khoan thai, nhịp nhàng.

Để làm hoàn chỉnh một chiếc trống thường phải trải qua 3 bước là thuộc da, ghép tang và bưng trống. Gỗ làm trống thường là gỗ mít, gỗ càng già thì âm thanh càng đanh, vang và trầm hùng. Gỗ được pha thành từng dăm, tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như độ cong của dăm để khi ghép thân trống vừa khít, không có khe hở. Quan trọng nhất là khâu bưng trống. Da trâu già sau khi xử lý được quây tròn, căng hết cỡ trên mặt trống, sau đó người thợ dùng đinh chốt được làm từ thân tre già đóng cố định vào thân trống. Một chiếc trống sau khi hoàn thiện phải đạt đủ cả 2 tiêu chuẩn về hình dáng và chất lượng âm thanh.

Tín hiệu vui cho làng nghề

Trống Gia Vĩnh đẹp và độc đáo là vậy, nhưng những năm gần đây, làng nghề phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đã có thời điểm tưởng chừng không thể trụ vững. Nguyên do là nguồn nguyên liệu để làm trống ngày càng khan hiếm, đắt đỏ. Trong khi đầu ra của trống bấp bênh, khiến cho nhiều gia đình phải chuyển sang làm nghề khác để mưu sinh. Đặc biệt là lớp trẻ hiện nay không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông nữa. Nếu như trước đây gần như cả làng nhà nào cũng tham gia làm trống thì nay chỉ còn vài ba hộ theo nghề.

Ông Lê Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Thanh Thùy cho biết, trước nguy cơ mai một của làng nghề, chính quyền xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm động viên những hộ sản xuất tiếp tục bám nghề. Địa phương cũng khuyến khích lớp trẻ học hỏi, tiếp nối nghề truyền thống của cha ông để lại. Bên cạnh đó, mời các nghệ nhân mở lớp truyền nghề, đưa sản phẩm của làng tham gia các cuộc triển lãm. Người sản xuất cũng không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với những nỗ lực của cả chính quyền và người sản xuất, thời gian gần đây, hoạt động sản xuất của làng nghề đã có nhiều khởi sắc. Những người thợ trống bận rộn quanh năm không hết việc. Ông Sở chia sẻ “Năm nay, số đơn hàng nhà tôi nhận được cao gấp đôi năm ngoái. Nhiều hôm phải thức cả đêm để làm việc mới kịp hàng giao cho khách”. Đây không chỉ là niềm vui riêng của gia đình ông Sở, mà còn là tín hiệu khởi sắc của làng nghề, với mức thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Đất nước càng phát triển, xã hội ngày một văn minh thì nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần của người dân ngày càng tăng lên. Trong những dịp lễ hội, những buổi diễn xướng, tựu trường… không thể thiếu vắng những tiếng trống góp phần cho không khí thêm rộn ràng. Vậy nên cần có những biện pháp, chính sách hữu hiệu để duy trì và phát triển làng nghề góp phần lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật cho muôn đời sau.