Giữ trọn lửa nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ Vân nổi tiếng với nghề thêu từ thế kỷ 16, sản phẩm của làng từng nổi danh cả trong và ngoài nước.

Từng cùng những người thợ trong làng dệt những lá cờ hồi Cách mạng Tháng Tám 1945, đến nay, cô Đặng Thị Đàn (thôn Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) (ảnh) vẫn giữ trong mình tình yêu nghề may cờ đến cháy bỏng, dù công việc không thể giúp gia đình cô làm giàu như những nghề khác.

 
Giữ trọn lửa nghề - Ảnh 1

Từ Vân nổi tiếng với nghề thêu từ thế  kỷ 16, sản phẩm của làng từng nổi danh cả trong và ngoài nước. Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, các nghệ nhân trong làng theo tiếng gọi của cách mạng đã hăng hái góp công, góp của không quản đêm ngày thức may  cờ tổ quốc cho cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cũng từ đó, nghề may cờ đã xuất hiện tại Từ Vân cho đến tận ngày nay. Hiện tại, gia đình cô Đàn đã có 4 thế hệ nối nhau giữ “lửa” nghề.

Theo cô Đàn,  để duy trì được nghề như ngày hôm nay, gia đình cô cũng từng phải khá chật vật, cũng chỉ bởi thu nhập không cao. Cô chia sẻ: “Giờ có nhiều người đã chuyển sang nghề khác vì thu nhập tốt hơn, nhưng vì trọng nghề của cha ông, nên chúng tôi vẫn tiếp tục”.

Theo cô Đàn, dù việc may quốc kỳ không đòi hỏi sự cầu kỳ như kỹ thuật thêu, nhưng cũng có cái khó riêng. Gia đình cô, mỗi người phụ trách một công đoạn trong khâu may quốc kỳ. “May cờ không chỉ cần may giỏi mà điều quan trọng để có lá cờ đẹp là từ khâu chọn vải. Khi kéo sợi vải, vải phải thẳng, nếu không cờ sẽ bị xoăn. Tôi vẫn học điều này từ mẹ và các bậc ông cha đi trước” – anh Phục - con cô Đàn - chia sẻ.

Cái khó nhất chính là phải thổi “hồn” vào từng lá cờ dù là cờ to hay nhỏ. So với các nghề may khác thì người làm nghề may cờ tổ quốc luôn thấy tự hào và sự thiêng liêng. Quá nửa thế kỷ giữ nghề, gia đình cô Đặng Thị Đàn vẫn giữ trọn được ngọn lửa yêu nghề.