Giữ vững lòng tin của nhà đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014.

Ủy ban Giám sát Tài chính (UBGSTCQG) cho rằng, trong khi tình hình biển Đông còn nhiều bất ổn, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để ổn định lòng tin của nhà đầu tư và thị trường; tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ thị trường để có phản ứng kịp thời; chuẩn bị các phương án dự phòng đối với các tình huống xảy ra.

Theo kiến nghị của UBGSTCQG, trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt, trong 6 tháng cuối năm, chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014.

Đồng thời, việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cũng cần được xem xét khi trong điều kiện lạm phát còn dư địa.
Giữ vững lòng tin của nhà đầu tư - Ảnh 1
Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư Nhà nước, góp phần đảm bảo mức tổng đầu tư toàn xã hội cho mục tiêu tăng trưởng; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu và nợ đọng thuế.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, căn cứ vào diễn biến lạm phát để điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho phù hợp, nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% cho năm 2014 nhằm đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Tăng trưởng và sản xuất tiếp tục cải thiện

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính (UBGSTCQG), tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2014 cao hơn cùng kỳ hai năm trước. Đạt mức 5,2%, so với mức 4,9% của cùng kì hai năm trước.

Theo ước tính của UBGSTCQG, tăng trưởng cải thiện chủ yếu nhờ khu vực dịch vụ và công nghiệp & xây dựng khi hai khu vực này đóng góp tương ứng 49,6% và 39,7% vào mức cải thiện tăng trưởng, nông-lâm-ngư nghiệp đóng góp 10,7%.

Tuy nhiên, riêng ngành xây dựng vẫn tăng trưởng chậm trong 6 tháng, đạt mức thấp hơn cùng kì 2013 (4,6% so với 4,1%), cho thấy khu vực bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Tăng trưởng GDP quý 2/2014 đạt mức 5,6%, cao hơn mức 5,3% cùng kì 2013.

Với xu hướng trên và chưa tính đến ảnh hưởng trễ trong 6 tháng cuối năm của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan, UBGSTCQG dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 trong khoảng 5,7 - 5,8%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng/2014 sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% so cùng kì năm trước, cao hơn mức tăng 4,9% của cùng kì 2013. Mức tiêu thụ điện trong 6 tháng/2014 cũng tăng nhanh hơn cùng kì năm ngoái.

Tuy nhiên, mức cải thiện tiêu dùng vẫn còn hạn chế khi khối lượng vận chuyển hàng hóa trong 6 tháng/2014 tăng thấp hơn so với cùng kì (1,7% so với 2,8%).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực

Tính chung 6 tháng/2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% (cùng kì năm trước tăng 5,2%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8% (năm trước tăng 5,7%).

Chỉ số PMI của tháng 5/2014 cho thấy điều kiện hoạt động sản xuất liên tục cải thiện trong 9 tháng, trong đó, sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng nhanh. Chỉ số HSBC PMI cũng phản ánh xu hướng này – tăng trưởng ổn định trong nửa đầu 2014.

Điều này cũng phù hợp với tình hình xuất khẩu tăng cao hơn cùng kì. Theo báo cáo nghiên cứu về triển vọng thị trường Việt Nam của ngân hàng HSBC, bất chấp suy thoái toàn cầu trong nửa đầu năm 2014, xuất khẩu tăng 14,9%. Theo đánh giá của HSBC “sản xuất và xuất khẩu là ngôi sao sáng của Việt Nam”.

Với nhu cầu bên ngoài đang dần hồi phục, HSBC còn tin tưởng xuất khẩu có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng. Trong trung hạn, các sự kiện như Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở rộng cánh cửa tới các thị trường và cho phép các khu vực kinh tế năng động nhất của Việt Nam trở nên cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Khu vực sản xuất và nông nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ có khả năng bùng nổ cho phép người dân tích lũy vốn và đầu tư vào các công nghệ hữu ích và dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị.

Hơn nữa, theo UBGSTCQG, nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ như máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; kim loại thường khác; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy.

Theo UBGSTCQG, sản xuất cải thiện đã tác động tích cực đến thu NSNN. Lũy kế 6 tháng/2014, tổng thu cân đối NSNN đạt 413,56 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 15,8% so cùng kỳ 2013. Trong đó, thu nội địa (chiếm 70% tổng thu) tăng 18% so cùng kì.

Tuy nhiên, những thách thức vẫn tồn tại trong nền kinh tế, mức cải thiện sản xuất còn chậm. Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 4,1% so cùng kì, trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng 16,2% so cùng kì.

Nguyên nhân được UBGSTCQG đưa ra là do tổng cầu còn yếu, nhất là cầu đầu tư. Mặc dù theo ước tính của UBGSTCQG tổng đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng/2014 ước đạt 30,2% GDP, cao hơn mức 29,6% GDP cùng kì 2013 nhưng đầu tư khu vực ngoài Nhà nước đã giảm từ 11,1% GDP xuống 10,3% GDP. Dư nợ tín dụng tính đến 20/5/2014 cũng chỉ tăng 1,1% so với tháng 12 /2013, thấp hơn mức tăng 2,1% của cùng kì năm 2013.

Trong khi đó, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu chững lại. So với cùng kì 2013, trong 6 tháng đầu năm 2014, vốn đăng kí (cấp mới và bổ sung) giảm 35,3% và vốn thực hiện chỉ tăng 0,9% (cùng kỳ năm 2013 tăng 5,6%).

Chỉ số CDS (phản ánh đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài đối với mức độ rủi ro của TPCP) tiếp tục xu hướng giảm kể từ đầu tháng 9/2013. Tính đến cuối tháng 6/2014 chỉ số CDS đã giảm khoảng 100 điểm so với đầu tháng 9/2013, về mức 200 là mức ổn định trong suốt nửa đầu năm 2013.

Bên cạnh đó là chi phí đầu vào tăng nhanh. Điều tra PMI của HSBC cho thấy giá cả đầu vào đã liên tục tăng kể từ tháng 7/2013, nhất là trong tháng 5/2014 mức tăng này đã gấp đôi các tháng trước.

Tuy vậy, thị trường chứng khoán mặc dù có sự suy giảm trong hai tuần đầu tháng 5 nhưng sau đó đã dần phục hồi. Tính đến tháng 6, thị trường chứng khoán nhìn chung tăng trưởng tốt hơn năm 2013.

Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững

Với mức tăng 4,98% so với cùng kì của CPI tháng 6, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở tỷ lệ thấp hơn 5%, trong những tháng đầu năm 2014. Mặc dù từ tháng 3/2014, lạm phát có dấu hiệu tăng nhưng lạm phát cơ bản (dựa trên CPI không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và giá dịch vụ công) đã liên tục giảm kể từ tháng 10/2013. Điều này càng khẳng định, tổng cầu vẫn chậm phục hồi.

Theo HSBC, lạm phát dự kiến tăng nhẹ trong quý III, từ mức 5% so với cùng kỳ của tháng 6 do giá năng lượng và các dịch vụ xã hội có thể tăng lên. Tuy nhiên, sang quý IV, tình hình có thể dịu bớt và lạm phát có thể duy trì ở 5,5% trong cả năm. Lãi suất trên thị trường mở (OMO) vì vậy sẽ ổn định ở 5% trong phần còn lại của năm.

Nếu không có những biến động về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ vào khoảng 5% (UBGSTCQG). Dự báo này cho thấy một dư địa nhất định để điều chỉnh giá các hàng hóa cơ bản trong 6 tháng cuối năm.

Theo UBGSTCQG, lạm phát ổn định đã tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Tính đến tháng 5/2014, lãi suất huy động VND kì hạn 6 tháng đã giảm 0,8 điểm % so với đầu năm, từ mức 7,2%/năm xuống 6,4%/năm. Xu hướng này đã không ảnh hưởng đến tiền gửi nội tệ của khách hàng khi tính đến tháng 5 tiền gửi bằng VND vẫn tăng 7,1% so với đầu năm.

Thị trường ngoại hối mặc dù có biến động trong tháng 5 và 6 nhưng vẫn khá ổn định so với năm 2013. Lạm phát thấp và thặng dư cán cân thương mại 1,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm là những điều kiện thuận lợi để ổn định thị trường trong năm 2014.

UBGSTCQG cho rằng, nguyên nhân biến động tỷ giá trên thị trường tự do trong hai tháng 5 và 6 là do phản ứng tâm lý của thị trường, vốn nhạy cảm với những tin tức không thuận lợi. Sau khi NHNN chủ động điều chỉnh tỷ giá (tăng 1% kể từ 19/6) chênh lệch tỷ giá liên ngân hàng và thị trường tự do đã được thu hẹp.

Thanh khoản tiền đồng của hệ thống ngân hàng cũng được duy trì tốt. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi giảm từ 82,4% cuối năm 2013 xuống còn 79% trong tháng 5/2014 do cho vay nội tệ tăng chậm hơn huy động nội tệ. Tính đến tháng 5/2014, cho vay VND đã tăng 1,1% so với đầu năm, trong khi tiền gửi bằng VND tăng 7,1%.

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sau khi có dấu hiệu tăng trong tháng 5 đã giảm trở lại trong tháng 6. Tuy nhiên, thanh khoản đối với ngoại tệ chịu áp lực nhất định.

Trong khi tính đến tháng 5 tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 5,5%, cho vay ngoại tệ đã tăng 7% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ đã tăng từ 84,3% cuối năm 2013 lên 95,5% trong tháng 5/2014. Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3%/năm lên khoảng 0,4%/năm và dao động mạnh hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần