Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giữa lợi và hại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Soi vào mức độ gay cấn và nan giải của toàn bộ vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakistan thì vụ nổ súng mới xảy ra ở khu vực Kashmir chỉ là chuyện nhỏ.

  Vì tranh chấp biên giới lãnh thổ mà hai bên đã từng ba lần tiến hành chiến tranh với nhau, xung đột vũ trang ở biên giới vẫn thường xảy ra, kể cả sau khi có thoả thuận ngừng bắn năm 2003. Nhưng thời điểm xảy ra vụ nổ súng vừa qua ở khu vực biên cương này lại rất đáng được chú ý bởi từ đó có thể thấy là nó vừa có lợi, lại có cả hại đối với hai bên.

Ở cả Ấn Độ lẫn Pakistan hiện đều có không ít chuyện chính trị xã hội nội bộ ảnh hưởng đến uy tín và nền tảng quyền lực của Chính phủ và các đảng phái chính trị cầm quyền. Những chuyện ấy khiến cả xã hội sôi động và tạo làn sóng dư luận rất bất lợi cho chính giới. Trong những tình huống như thế, những động thái liên quan đến thể diện quốc gia và biên giới lãnh thổ đất nước thường có tác động tâm lý sâu sắc, thu hút sự quan tâm của dư luận và tăng cường sự hậu thuẫn Chính phủ. Cho nên cách hành xử của Ấn Độ và Pakistan rất giống nhau. Cả hai đều xác nhận có vụ nổ súng ở biên giới trong khu vực Kashmir. Bên này nói bên kia tấn công trước và mình chỉ nổ súng để phòng vệ. Bên nào cũng đổ lỗi bên kia xâm phạm ranh giới và đã bị đẩy trở lại bên kia ranh giới. Cả hai phía đều quả quyết là chỉ đã sử dụng vũ khí loại nhẹ và lực lượng nhỏ quân đội tham chiến. Cả hai đều tuyên bố biên giới vẫn được giữ vững và thiệt hại chỉ rất nhỏ.

Dù vậy, cái hại của vụ việc lại có thể không nhỏ. Nó cho thấy khu vực biên giới này vẫn là vùng chiến sự và sự tin cậy lẫn nhau giữa hai bên vẫn chưa được bền vững. Vì thế, quá trình đàm phán hoà bình giữa hai nước không chỉ vẫn trắc trở, mà còn có nguy cơ trở thành con tin của cuộc tranh chấp biên giới giữa hai nước và chuyện nội bộ hai nước.