Theo BCTC quý II/2021, TPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần 2.526 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ 2020. |
Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng tiếp tục đạt kỷ lục về lợi nhuận. Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số nhà băng có mức lãi tăng gần 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi lãi suất huy động đi xuống thì khoảng cách giữa giá vốn đầu vào và lãi suất cho vay có xu hướng giãn rộng ra.Cụ thể, Vietcombank ước lãi trước thuế hơn 14.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành hơn 56% so mục tiêu kế hoạch lợi nhuận 25.580 tỷ đồng cả năm. VietinBank ước lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 khoảng 13.000 tỷ, hoàn thành 3/4 chặng đường cả năm.Nhóm ngân hàng tầm trung cũng không kém cạnh khi MSB với ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ và hoàn thành 85% mục tiêu cả năm (3.280 tỷ đồng).Tại SeABank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 1.557 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2020, gần bằng mức lợi nhuận cả năm 2020 và hoàn thành 65% kế hoạch năm 2021 (2.400 tỷ đồng).Còn các ngân hàng top sau, dù con số lợi nhuận khiêm tốn hơn các ông lớn nhưng mức tăng lợi nhuận so cùng kỳ cũng tăng vọt. Đơn cử, tại VietBank, lợi nhuận quý 2 tăng vọt 3,5 lần so với cùng kỳ, đạt 202 tỷ đồng; lợi nhuận 6 tháng đầu năm theo đó đạt 326 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tại Saigonbank, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 136 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, ngân hàng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức 130 tỷ đồng. Theo đó, mới chỉ qua 6 tháng nhưng ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch cả năm.Dù các ngân hàng đã nỗ lực cải thiện thu nhập ngoài lãi, tuy nhiên, động lực tăng trưởng của các ngân hàng vẫn chủ yếu đến từ tín dụng Theo BCTC quý II, TPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần 2.526 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ 2020. Thu nhập từ dịch vụ tăng 159% lên 412 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng mang về 280 tỷ đồng, tăng 61%. Riêng hoạt động ngoại hối giảm lãi 43% xuống 159 tỷ đồng.Còn theo BCTC hợp nhất của Techcombank, quý II/2021, lợi nhuận chủ yếu của Techcombank vẫn chủ yếu đến từ chênh lệch lãi vay. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động của Techcombank trong quý II/2021 đạt 9.200 tỷ đồng, thì riêng thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 6.584 tỷ đồng, tăng 67%, chiếm 71,6% tổng thu nhập hoạt động. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng vốn huy động lớn, chiếm tỷ lệ 46,1% và lãi suất cho vay vẫn giữ ở mức khá cao là nguyên nhân khiến thu nhập lãi thuần tăng mạnh. Lũy kế 6 tháng, ngân hàng đạt tổng thu nhập hoạt động hơn 18.100 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 12.700 tỷ đồng, tăng 56,0% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho thấy, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay vẫn ở mức cao. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tại các ngân hàng TMCP có vốn trên 5.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2021 giảm còn 4,66/năm% và 5,5%/năm, thấp nhất kể từ năm 2017. Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng, lãi suất huy động là 5,37%/năm và 5,98%/năm. Tính chung, mức lãi suất huy động bình quân trên thị trường của hai kỳ hạn này lần lượt là 4,82%/năm và 5,61%/năm. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay ở hầu hết ngân hàng cao gấp đôi so với lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với DN từ 6 - 9%/năm, nhưng với khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay từ 9 - 11,5%/năm.Về việc “ăn” chênh lệch lãi suất cao nên lợi nhuận ngân hàng cao, một lãnh đạo nhiều năm công tác trong ngành này cho hay, nói lợi nhuận ngân hàng tăng do “ăn” chênh lệch lãi suất cao là hoàn toàn không chính xác. “Thực tế cho thấy, chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra có giãn ra trong năm 2021 nhưng độ giãn ra đó hợp lý và phù hợp với thực tế (chênh lệch này chưa tính toán đến chi phí hoạt động và chi phí rủi ro) chứ không phải do ngân hàng lợi dụng việc giảm lãi suất đầu vào mà tăng hoặc giữ nguyên lãi suất cho vay”- ông này nói.
Giảm lãi suất - nói có đi đôi với làm?Hiện, các ngân hàng đã thiết kế nhiều gói giảm lãi suất cho vay theo kêu gọi của ngành ngân hàng. Hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ được miễn, giảm lãi suất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, DN cần nhiều hơn, đó là những chính sách mang tính thổng thể.Ông Mạc Quốc Anh- Tổng thư ký Hiệp hội DNVVN Hà Nội cho biết, ngân hàng cũng là một DN. Ngoài trách nhiệm với khách hàng, họ còn phải chịu trách nhiệm trước các cổ đông về hoạt động kinh doanh. Vì vậy, để được gia hạn, giảm lãi suất cho vay, chắc chắn phải có các điều kiện đảm bảo an toàn khoản vay. “Trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN, nhất là khối DNVVN gần như không đủ doanh thu cũng như có các phương án kinh doanh khả thi, dòng tiền. Vì thế, việc tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi chắc chắn sẽ rất khó khăn và không nhiều ý nghĩa”- ông Quốc Anh nhấn mạnh. Điều này cũng được một lãnh đạo từng nhiều năm hoạt động trong ngành ngân hàng gián tiếp thừa nhận. Ông này cho rằng, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, thời gian tới, sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế là hết sức khó khăn. Không chỉ riêng lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch bị ảnh hưởng mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng chịu tác động. Kể cả những đơn vị sản xuất kinh doanh có hiệu quả trước đây, dù có đơn hàng, có hợp đồng vẫn phải ngừng sản xuất kinh doanh, đóng cửa do công nhân bị nhiễm bệnh.Khi DN, khách hàng vay vốn không trả được nợ, ngân hàng sẽ ra sao? Chưa kể Nghị quyết 42 tới tháng 8/2022 sẽ hết hiệu lực, lúc đó việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ như thế nào? Nợ xấu của ngân hàng sẽ bị đánh giá, nhìn nhận ra sao? Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã gồng mình lên để tái cơ cấu, đầu tư công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cắt giảm chi phí để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp nhưng tới đây, khi nợ xấu phát sinh và phải đảm bảo đưa tỷ lệ nợ xấu về theo đúng quy định thì ai sẽ hỗ trợ ngân hàng?... Đây là những vấn đề đang đặt ra đối với hoạt động ngân hàng. “Ngành ngân hàng cũng đang rất cần sự cảm thông và chia sẻ khó khăn từ cơ quan quản lý và các đối tác. Tuy nhiên, trong bối cảnh các ngân hàng có trách nhiệm cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi, phí… cho các khách hàng, thì ở góc độ khác, các DN viễn thông hay tổ chức thẻ quốc tế đều chưa có sự hỗ trợ cho ngân hàng trong việc giảm phí, dù phía ngân hàng đã nhiều lần có văn bản đề nghị”- vị này nói.