Giữa những khó khăn, ông lớn dệt may vẫn lãi nghìn tỷ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã có dự báo từ sớm những khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn bị bất ngờ trước những tình huống khó lường. Song Vinatex vẫn đạt doanh thu 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đảm bảo việc làm, chăm lo cho người lao động…

Đó là thông tin được Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường đưa ra tại buổi họp báo công bố thông tin sản xuất kinh doanh năm 2022 và định hướng cho năm 2023, ngày 22/12.

Ban tổ chức thông tin về hoạt động của ngành dệt may. Ảnh: Khắc Kiên
Ban tổ chức thông tin về hoạt động của ngành dệt may. Ảnh: Khắc Kiên

Linh hoạt các giải pháp

Theo báo cáo từ Vinatex, tại thời điểm 9 tháng năm 2022, lợi nhuận của tập đoàn đạt 1.186 tỷ đồng, vượt hơn 24% so với kế hoạch được giao. Nhưng từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu và từ tháng 9, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống. Trong những tháng đầu quý IV, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh. 

Ông Lê Tiến Trường thông tin, điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong tập đoàn chững lại. Trong bối cảnh khó khăn đó, năm 2022 Vinatex ước đạt mức doanh thu hợp nhất là 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn. 

Trong phân xưởng  sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên
Trong phân xưởng  sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên

“Để có được kết quả tích cực trong điều kiện thị trường nhiều khó khăn, biến động khó lường trong năm 2022 là nhờ sự linh hoạt, nhạy bén trong dự báo và điều hành, cùng với đó là sự đóng góp, nỗ lực của các doanh nghiệp và toàn thể đội ngũ cán bộ nhân viên, người lao động trong hệ thống tập đoàn” – vị này nói. 

Theo đó, năm 2022, Vinatex tổ chức 8 hội thảo để cập nhật kịp thời dự báo thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, phân tích dữ liệu theo biển động của thị trường tài chính, tiền tệ để các đơn vị thành viên có cơ sở cân nhắc, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn.

Đơn cử như với ngành sợi, Vinatex đã bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối trong chuỗi sản xuất của ngành dệt và ngành may của tập đoàn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sợi; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để đảm bảo dòng tiền; luôn quan tâm đảm bảo chất lượng sản phẩm cao và ổn định; bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu. 

Đối với ngành may, Vinatex tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để đảm bảo duy trì sản xuất và giữ chân người lao động; nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường; luôn sẵn sàng lực lượng sản xuất tốt nhất để đón những cơ hội khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.

Vinatex cũng xác định sản phẩm chủ lực thích hợp nhất tại thời điểm này để từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín. Trong đó, có sự kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất kinh doanh sợi và các đơn vị sản xuất kinh doanh khác, cũng như phát huy vai trò thực hiện chức năng điều phối giữa các đơn vị, tận dụng tối đa lợi thế của từng đơn vị, cân đối sản xuất trong toàn chuỗi, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như tìm kiếm thị trường đầu ra; định hướng phát triển sản phẩm mới bằng cách khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường đối với từng loại sản phẩm có khả năng đáp ứng; tư vấn công tác đầu tư cả về chiều rộng và chiều sâu của chuỗi sản xuất.

Dự báo năm 2023 kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, ông Lê Tiến Trường cho biết, các doanh nghiệp dệt may đã không còn hoang mang trước những "bất định", từng bước chủ động hơn, sẵn sàng các giải pháp ứng phó với điều kiện kinh doanh không tích cực. “Thử thách lần này là cam go trong suốt hàng chục năm qua, con đường duy nhất là kiên định tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số..." – ông Lê Tiến Trường chỉ ra.

Chăm lo cho lao động

Hiện nay, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex chưa phải thực hiện việc giảm lao động trực tiếp bằng việc hoãn hay cắt giảm hợp đồng lao động. Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường, người lao động sẽ không có tăng ca, làm thêm giờ mà sẽ giảm khoảng 20% giờ làm so với bình quân những tháng cao điểm của những năm trước. 

Vượt qua thách thức, ngành dệt may đã có những kết quả khả quan. Ảnh: Khắc Kiên
Vượt qua thách thức, ngành dệt may đã có những kết quả khả quan. Ảnh: Khắc Kiên

"Vinatex vẫn lo đủ đơn hàng sản xuất để người lao động có việc làm từ 40-48 giờ/tuần. Trung bình trên toàn hệ thống của Vinatex, thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 ước đạt gần 9,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 15% so với năm 2021. Các đơn vị thành viên vẫn cố gắng duy trì chế độ lương thưởng cho người lao động trong Tết Nguyên đán 2023 nhằm duy trì và ổn định nguồn lao động" - ông Lê Tiến Trường nói. 

Chủ tịch Công đoàn Vinatex Phạm Thị Thanh Tâm chia sẻ thêm, hiện 100% các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex đều đảm bảo tháng lương thứ 13 cho người lao động. Một số đơn vị lớn như Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may Huế, Tổng công ty Phong Phú, Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội, Tổng Công ty May 10… đều có thêm ít nhất 0,5-2 tháng lương cho người lao động ngoài tháng lương thứ 13. 

Ngoài ra, tập đoàn cũng đã tổ chức các phiên chợ với các gian hàng giá ưu đãi, giá 0 đồng và các gian hàng giảm giá, giúp người lao động có thể tiết kiệm từ 30-40% so với việc mua ngoài thị trường.

Trong quan điểm xuyên suốt, Vinatex luôn xác định có 2 nguồn tài sản qúy nhất phải bảo vệ là người lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng. Do vậy, bằng các biện pháp triệt để nhất, Vinatex đảm bảo ổn định nguồn lao động, giữ vững quan hệ với khách hàng để khi thị trường hồi phục sẽ nhanh chóng tổ chức sản xuất, chớp lấy các cơ hội từ thị trường…

"Chúng tôi chấp nhận giảm mức lợi nhuận xuống, hi sinh, lựa chọn từ hơn 1.700 tỷ xuống còn hơn 1.000 tỷ để dành số tiền đó đảm bảo chi lương, thưởng và chăm lo cho người lao động. Tập đoàn muốn tạo một "thế đứng" vững vàng hơn, duy trì vị thế của người về lao động, để sẵn sàng trong thời gian tới", ông Lê Tiến Trường nói.

 

Theo báo cáo của WTO, thị phần của dệt may Việt Nam chiếm khoảng 5,7%, Bangladesk là 6,5%... Năm 2022, xuất khẩu của Dệt may Việt Nam dự kiến đạt 44,5 tỷ USD tăng khoảng 11%, nhưng kết quả này cũng chỉ giúp Việt Nam đứng thứ 3 thế giới. Hiện dệt may Việt Nam vẫn tăng trưởng 2 con số. Thống kê tại thị trường Mỹ, đối với Dệt may Việt Nam làm được nhiều đơn hàng khó, đa dạng về dòng hàng, thời gian giao hàng đảm bảo và chỉ sau Trung Quốc. Còn tại EU, Bangladesk đứng thứ 2 nhờ được hưởng nhiều thuế ưu đãi tại thị trường này.

Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex Vương Đức Anh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần