Giúp bé yêu chống nắng bằng nhiều cách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nắng nóng là đầu mối của những chứng bệnh như sốt, tiêu chảy, các chứng bệnh liên quan đến virus và vi khuẩn… ở trẻ nhỏ. Những cách sau đây sẽ giúp trẻ luôn khỏe mạnh trong những ngày hè.

Không để trẻ quá nóng

Mặc dù bé yêu còn quá nhỏ để nói rằng bé đang bị nóng nhưng bạn có thể bằng nhiều cách để kiểm tra tình trạng thân nhiệt của bé.

Hãy áp lòng bàn tay bạn vào sau lưng bé nếu thấy bé toát nhiều mồ hôi và có cảm giác bị nóng thì hãy cởi bớt quần áo cho bé. Bởi lẽ việc phải chịu đựng cảm giác nóng nực không những khiến bé cảm thấy khó chịu mà mồ hôi toát ra nhiều nếu như không được phát hiện sớm thì sẽ khiến cho bé bị nhiễm lạnh ngược trở lại gây nên tình trạng cảm lạnh.

Lựa chọn quần áo

Quần áo trong những ngày mùa hè dành cho nên là những loại quần áo mát mẻ, thấm hút mồ hôi được thiết kế trên chất liệu vải sợi cotton thay vì chất liệu nilong.

Khi chọn màu sắc quần áo bạn cũng nên chọn loại có màu sắc dịu mát để tạo cảm giác mát mẻ cho bé.

Bảo vệ khi đi ra nắng

Nhiều người nghĩ rằng chỉ người lớn mới cần dùng kem chống nắng và “ngụy trang” trước khi đi ra nắng. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm là bởi da của bé rất mỏng và nhạy cảm, nên càng dễ có nguy cơ bị ánh nắng mặt trời “làm hại”. Chính vì thế, bé cũng cần được dùng kem chống nắng và “ngụy trang” khi đi ra ngoài bằng áo, mũ, ô dù.

Loại kem chống nắng dành cho bé phải là loại kem chống nắng chuyên dụng dành cho trẻ nhỏ, không gây kích ứng da.

Tránh mất nước

Mùa hè cơ thể bé cần được cung cấp một lượng nước lớn hơn bình thường để tránh tình trạng bị khử nước do mồ hôi tiết ra nhiều hơn.

Nếu bé đang bú mẹ, hãy cho bé bú cả lớp sữa đầu (giúp bé tránh khát) và lớp sữa sau (cung cấp dinh dưỡng cho bé). Với những trẻ còn bú mẹ thì không cần cho trẻ uống thêm nước lọc vì trong sữa mẹ đã có chứa một lượng nước nhất định.

Còn với trẻ đã biết ăn dặm thì bạn nên cho bé uống thêm nước lọc hoặc nước quả.

Lưu ý, các chuyên gia thuộc Ủy ban dinh dưỡng Mỹ khuyến cáo rằng: Khi trẻ ngoài 6 tháng tuổi hoặc đã có thể uống nước bằng cốc, lúc đó hãy cho uống thêm nước quả. Với trẻ nhỏ, 100 ml nước quả giàu Vitamin C mỗi ngày là quá nhiều. Khi cho trẻ uống nước quả tốt nhất nên dùng loại nước ép quả tươi nguyên chất để bảo toàn nguồn dinh dưỡng quý giá.

Đảm bảo thời lượng giấc ngủ

Giấc ngủ của bé có thể bị gián đoạn do nhiệt độ cao, bé có cảm giác bức bối khó chịu trong cơ thể. Muốn đảm bảo cho bé có một giấc ngủ ngon và đạt chất lượng bạn cần quan tâm đến nhiệt độ phòng ngủ của bé, hãy chắc chắn rằng đó là một căn phòng thoáng mát, không khí lưu thông, hạn chế ánh sáng và cần đặc biệt yên tĩnh.

Với trẻ sơ sinh không nên quấn quá nhiều tã và quấn tã chặt sẽ khiến bé bị toát nhiều mồ hôi khi ngủ, gây cho bé cảm giác khó chịu.

“Ứng phó” với rôm sảy

Rôm sảy là một rắc rối với làn da của bé cứ mỗi khi hè đến. Tuy không nguy hiểm tuy nhiên khi bị rôm sảy “viếng thăm” thì rõ ràng là bé không thế có cảm giác dễ chịu và thoải mái vì ngứa ngáy. Bật mí đơn giản sau sẽ là cách giúp bé gỡ rối trong trường hợp này.

Theo kinh nghiệm dân gian thì khi bị rôm sảy nên tắm cho bé mỗi ngày bằng một hai quả chanh sẽ giúp trẻ có cảm giác mát mẻ và dễ chịu. Ngoài ra, tắm nước dừa hoặc tắm cho bé với nước trà xanh cũng là một cách trị rôm sảy hiệu quả với bé yêu.

Ngoài những cách trị rôm sảy nói trên bạn cần lưu ý không nên tắm cho bé bằng nước quá nóng. Luôn giữ cho da bé được khô ráo, nên cho trẻ ăn những món ăn có tính thanh nhiệt. Nên ưu tiên bổ sung thêm các loại rau xanh và trái cây vào trong chế độ ăn uống của bé. Không nên thoa phấn rôm cho bé nếu da bé đang bị rôm sảy.

Nếu đã thử nhiều cách mà tình trạng rôm sảy vẫn không có dấu hiệu “rút lui” thì bạn có thể đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần