Các em xếp hàng, nơi đặt các vòi nước cách trường 300m, mang theo quần áo để tắm. Các em tắm khu vực nam riêng, nữ riêng; tắm từng đợt theo lớp, xong quay trở về nhường cho lớp khác. Sau tắm, quần áo của các em thay ra được thầy cô giáo giặt giũ phơi khô…
Hình ảnh thầy cô dẫn học trò xếp hàng tắm mát, rồi giặt giũ áo quần cho chúng thật là đẹp, thật cảm động. Thầy cô vừa là thầy vừa là cha mẹ của các em mỗi khi đến trường.
Đã mấy năm nay, trường học nói trên đã giúp các học sinh tránh nóng, giải nhiệt theo cách nói trên. Báo chí còn cho biết, trường có tường và mái làm bằng tôn nên rất nóng. Những năm trước, thầy trò phải dùng khăn ướt để lau người thường xuyên nhưng chỉ đỡ phần nào; do vậy sáng kiến cho học trò đi tắm giữa buổi chiều đã ra đời…
Điều quan trọng là nhiều người đang băn khoăn bao nhiêu trường có vách và mái tôn và chịu cái nóng hầm hập như trường ở trên? Liệu cách trốn nóng bằng đi tắm giữa buổi chiều đã ổn? Tại sao trường học ở vùng cao không thể thay thế vách tôn bằng gạch xây? Nếu là mái tôn, liệu chúng ta có thể làm tôn lạnh (tôn có nhiều lớp để chống nhiệt) được không, dù giá thành có cao hơn nhưng không nhiều lắm?
Nhà nước đã có những chính sách ưu tiên cho phát triển giáo dục vùng miền núi. Tuy nhiên, ở nơi này nơi khác, cơ sở giáo dục, cụ thể trường học, còn thiếu thốn. Việc đầu tư cho thầy và trò vùng núi nhiều hơn nữa là cần thiết để tạo ra sự công bằng một cách tương đối trong giáo dục - đào tạo.
Thử nghĩ: các TP lớn, trường học khang trang, thầy cô giỏi, nhiều điều kiện tiếp xúc với kiến thức; còn các em ở miền núi ngoài lo đến trường, bữa ăn no và đủ dinh dưỡng... còn phải lo cái rét, cái nóng vì trường lớp sơ sài...
Nắng nóng những ngày tới sẽ lan rộng và ác liệt hơn. Nhiều vùng rừng núi, như ở Tây Nguyên, đang vào mùa vừa nóng vừa khô hạn. Rừng điều hòa khí hậu, giữ nguồn nước ngầm đã được nhiều nơi phá để trồng cây và đặc biệt là để làm hồ giữ nước, nhưng mùa khô đa số hồ nước cạn, rừng lại không còn. Nóng và khô ngự trị.
Đã đến lúc, cần có khảo sát lại cái được - mất khi phá rừng làm những hồ thủy lợi, thủy điện. Bởi cái nóng của trường học sẽ đỡ đi biết bao nhiêu nếu chúng có rừng cây tươi tốt bao phủ.
Đó là những suy nghĩ xa xôi, còn việc trước mắt để chống nóng cho học sinh vùng cao cần có thêm hỗ trợ của Nhà nước, làm thêm trần chống nóng cho lớp học, thay mái tôn thường bằng tôn lạnh nhiều lớp, các trường cần có điện để lắp quạt...