Giúp người lao động giảm bớt khó khăn

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chính sách hỗ trợ đột xuất của Nhà nước và TP Hà Nội đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã rất kịp thời, tích cực, giúp cho họ giảm bớt được phần nào khó khăn, quay lại thị trường lao động.

Gần 50 triệu lượt người được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ

Đại dịch Covid-19 xảy ra với những diễn biến phức tạp, khó lường đã và đang tác động mạnh, ảnh hưởng đến tình hình lao động, việc làm và thu nhập, đời sống của NLĐ. Trong bối cảnh đó, nhằm hỗ trợ người dân về vật chất, tinh thần, sinh kế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giúp NLĐ, NSDLĐ ổn định và duy trì sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.

Từ năm 2021 đến nay, thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ theo các Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP, T.Ư và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82.000 tỷ đồng hỗ trợ gần 728.000 lượt NSDLĐ và trên 49,7 triệu lượt NLĐ và các đối tượng khác.

Trao tiền hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Trao tiền hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng

Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, hiện nay các địa phương đang triển khai hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho NLĐ có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm với kinh phí dự kiến 6.600 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều chính sách khác nhằm bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm…

Trao đổi về những chuyển biến tích cực khi NLĐ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, TS Vũ Minh Tiến cho hay: Các chính sách của Nhà nước cơ bản là kịp thời. Sau khi được thụ hưởng các chính sách, đã có tới 95% NLĐ quay trở lại thị trường lao động.

NLĐ tin tưởng, an tâm và tiếp tục gắn bó với công việc như trước kia. Không chỉ vậy, NLĐ còn nhận thấy được Quốc hội, Chính phủ, các cấp luôn quan tâm tới việc làm và thu nhập của họ, cũng như thấy được giá trị của công việc để duy trì cuộc sống.

Nhiều năm làm quản lý trong ngành lao động cũng như hiện nay đang tiếp tục nghiên cứu các chính sách, TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH đánh giá: Gói hỗ trợ một lần được Nhà nước chuẩn bị rất chu đáo và phủ kín các trường hợp, nhất là lao động phi chính thức, lao động trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 gặp khó khăn.

Thứ hai, việc tổ chức triển khai được chỉ đạo chặt chẽ từ T.Ư tới địa phương; cả hệ thống chính trị, tổ chức xã hội và người dân vào cuộc nên các gói hỗ trợ đó đã được thực hiện khá kịp thời. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Chính phủ lại có gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ để họ trở lại thị trường lao động.

“Các gói hỗ trợ mang tính nhân văn, kịp thời và tính xã hội rất cao, đã giảm bớt được khó khăn cho người dân và tạo cơ hội cho họ có cuộc sống trong dịch ổn định hơn. Mặc dù có thể có gói hỗ trợ triển khai còn chậm nhưng nói chung các chính sách như một chiến dịch để hỗ trợ cho NLĐ” - ông Nguyễn Hữu Dũng nhận định.

Hoạt động sản xuất phục hồi, người lao động phấn khởi

Thời điểm này, chia sẻ về các chính sách hỗ trợ DN và NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19, Chủ tịch Công đoàn Công ty May mặc Việt - Pacific Nguyễn Tràng Huy vẫn còn rất xúc động. Khi đại dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP để hỗ trợ DN và NLĐ; sau khi dịch được kiểm soát tốt, công nhân lao động lại được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà. Về phía TP Hà Nội đã có những gói an sinh gồm gạo, nước mắm… đã hỗ trợ rất tốt cho NLĐ trong lúc khó khăn.

“Các chính sách rất tích cực giúp Việt - Pacific vay khoảng 8 tỷ đồng để trả lương cho công nhân viên; NLĐ được hỗ trợ kinh phí đã giảm bớt phần nào khó khăn, nhất là lúc này được nhận 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng hỗ trợ tiền thuê nhà đã động viên công nhân tích cực làm việc” - ông Nguyễn Tràng Huy cho hay.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam Nguyễn Hoàng Long vẫn nhớ rất rõ về thời gian đầu dịch Covid-19 xảy ra, các đơn hàng giảm và công việc của NLĐ bắt đầu bị ảnh hưởng.

Từ năm 2020 đã có những công nhân trong công ty phải ngừng việc do không có đơn hàng. Đến năm 2021, hầu như NLĐ nghỉ làm việc các thứ Sáu, một số nghỉ hẳn ở nhà vì không có việc. Thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, chỉ có 30 - 40% công nhân đi làm, còn lại là ngừng việc.

Về thu nhập, thời điểm đầu, công ty trả được 70% lương cơ bản, sau đó chỉ gánh được mức lương tối thiểu vùng do phải chi phí rất nhiều vào phòng chống dịch và “3 tại chỗ". Điều lo ngại của công ty, Công đoàn là sau khi hết dịch công nhân viên không quay lại DN làm việc. Nhưng, với sự hỗ trợ của Nhà nước, của công ty về thực phẩm và trả lương bình thường trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, đến nay gần 100% công nhân viên quay lại làm việc.

Những cán bộ Công đoàn cũng như công nhân lao động khác cho rằng, chính sách của Nhà nước, chính sách đặc thù của TP Hà Nội với số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng giúp giải quyết những khó khăn trước mắt kịp thời.

Ví dụ, Nghị quyết số 116/NQ-CP quy định công nhân viên chức tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ tiền đã giúp NLĐ có khoản nho nhỏ để bù đắp trượt giá ở thời điểm hiện tại, người dân tin tưởng hơn vào chính sách bảo hiểm xã hội của Nhà nước để tăng số người tham gia. Hay chính sách hỗ trợ NLĐ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp giúp NLĐ trụ lại thành thị, khu công nghiệp để làm việc; DN có nguồn lao động đảm bảo được hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Chính sách của Chính phủ rất kịp thời. Chúng tôi thực sự xúc động và vui mừng khi hiện nay dịch bệnh Covid-19 không quá lo ngại như trước, NLĐ đã qua thời điểm khó khăn nhất nhưng vẫn nhận được hỗ trợ tiền thuê nhà, giúp yên tâm làm việc và ổn định cuộc sống” - Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy Hà Thị Phương Anh cho hay.

Có thể nói, đa số các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đều rất kịp thời. Một vài chính sách về hỗ trợ NLĐ từ nguồn bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tiền thuê nhà đang tiếp tục được triển khai để NLĐ được tiếp cận.

Hiện nay mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại bình thường, giá xăng, dầu đã giảm, tuy nhiên giá các mặt hàng hóa lại chưa, vì thế công nhân lao động rất mong Chính phủ có giải pháp để ổn định giá hàng hóa thực phẩm để NLĐ yên tâm làm việc và sinh hoạt.

 

"Nhờ thực hiện các chính sách hỗ trợ, thị trường lao động Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022 vẫn còn bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng mức độ đã giảm đi rất nhiều. Quý I/2022 có 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động (giảm 7,8 triệu lao động so với quý IV/2021); đến quý II chỉ còn 8 triệu người chịu ảnh hưởng tiêu cực (giảm 8,9 triệu so với quá trước). Số lao động có việc làm 6 tháng đầu năm là 50,288 triệu người, tăng 417.000 người so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tín hiệu phục hồi nhanh của thị trường lao động sau đại dịch Covid-19. Thu nhập bình quân của NLĐ 6.500.000 đồng/tháng, tăng 326.000 đồng, tương ứng tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước."- Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung