GMS cần hướng tới “tăng trưởng xanh”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hội thảo quốc tế về Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) với chủ đề "GMS 2020: cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với môi trường bền vững" vừa diễn ra tại Bangkok, Thái Lan đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tại Hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, đối tác phát triển, các chuyên gia và đại diện tư nhân đến từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar đã vạch ra lộ trình hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo tính bền vững môi trường của GMS đến năm 2020.

Theo Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Stephen Groff, nâng cao hiệu quả sử dụng, khôi phục và khai thác nguồn tài nguyên cũng như bảo vệ chất lượng môi trường đang là thách thức đối với các nước GMS, trong khi tiếp tục tạo thêm việc làm và phát triển kinh tế bền vững. ADB dự báo nhu cầu đối với lương thực trong tiểu vùng có thể tăng 20 - 50% vào năm 2030 và việc đảm bảo an ninh lương thực trong 50 năm tới, đặc biệt tại các nước như Lào, Campuchia vẫn là vấn đề mang tính sống còn. Trong khi đó, nhu cầu đối với năng lượng dự kiến sẽ tăng 9 - 16%/năm do các nước trong GMS đang đạt tốc độ tăng trưởng khá cao từ 4,5 - 9,5% trong giai đoạn 2012 - 2016. Điều này buộc các nước GMS phải vượt qua thách thức trong nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng và khôi phục nguồn tài nguyên để kinh tế tăng trưởng bền vững. Để khắc phục được vấn đề này, ADB cho biết, các nước GMS cần hướng tới "tăng trưởng xanh" như sử dụng hiệu quả cao hơn nữa trong ngành nông nghiệp, cải cách phương cách quản lý nguồn nước. Đại diện của ADB cho biết, Ngân hàng này luôn sẵn sàng làm việc với các nước GMS và các đối tác phát triển để xây dựng và triển khai một lộ trình đầu tư cho "tăng trưởng xanh" trong khu vực. Tính riêng năm 2010, ADB đã phê duyệt 50 dự án tăng trưởng xanh với tổng gá trị 4,8 tỷ USD, tăng 52% so với năm 2009.