Vào tháng 10/2010, Việt Nam và EU đã khởi dộng tiến trình đàm phán VPA/FLEGT. Hai bên đã chính chức đàm phán từ tháng 11/2011. Đến ngày 19/10/2018 tại Bỉ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Sebastian Kurz đã ký hiệp định VPA/FLEGT.
Ngày 15/4/2019, Hội đồng châu Âu đã gửi công hàm cho Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ, thông báo kết thúc quá trình phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT với Việt Nam sau khi Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định vào ngày 12/3/2019. Ngày 23/4/2019 Chính phủ Việt Nam đã có Nghị quyết số 25/NQ-CP phê duyệt Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU. Theo đó, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2019.
Hiệp định VPA/FLEGT được thực thi là dấu mốc khởi đầu việc Việt Nam - EU cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Để thực hiện Hiệp định này, Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp. Điều này cũng đồng nghĩa, gỗ khai thác bất hợp pháp và các DN mua bán gỗ khai thác bất hợp pháp sẽ không được tham gia chuỗi cung ứng theo quy định của Hệ thống VNTLAS.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh: Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT phù hợp với quy định tại Luật Lâm nghiệp 2017. Trong đó, nghiêm cấm việc nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, chế biến và thương mại gỗ bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Hiệp định sẽ thay thế hàng loạt văn bản giấy tờ cần nộp cho các đơn vị nhập khẩu gỗ cho các DN xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Bên cạnh những lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường từ việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, cơ chế cấp phép VPA/FLEGT sẽ góp phần tăng uy tín cho ngành chế biến gỗ Việt Nam không chỉ tại EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, hướng tới gia tăng giá trị lâm sản trong tương lai.