Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gõ cửa nhà hàng xóm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi phải viết về một điều gì đó sáng sủa hơn những thứ tôi thấy mỗi ngày. Nhưng cảm giác mệt mỏi ăn mòn từng ý nghĩ, choán lấy tôi bằng những khoảng trắng vô hồn.

Đầu óc tôi như cánh đồng hạn hán nên chẳng thể gieo mầm tốt tươi, dù tôi có nghĩ về màu xanh cả trăm lần. Thế nên rất nhiều ngày tôi không làm gì ngoài việc ngồi ngoài mảnh sân nhỏ nghĩ ngợi vẩn vơ. Ở đó, tôi chờ đợi được nhìn thấy cụ già lên núi lúc sáng sớm và chờ cụ xuống núi lúc trời chiều. Khi đi hình như cụ không mang theo gì, lúc về cũng không thấy vai mang vác. Tôi bỗng nhiên nhớ tới vợ mình, ngày nào cô ấy cũng đi từ mờ sớm và trở về khi tối muộn. Cũng chẳng mang theo gì ngoài lớp phấn son trên mặt. Tôi thì nghĩ hình như cô ấy đang ẩn giấu điều gì đó qua mỗi ngày tưởng như vô vị ấy. Tôi đã từng đi tìm câu trả lời. Tìm lâu thật lâu nhưng cuối cùng mọi thứ đều không đúng. Ông lão vẫn leo núi và mỗi ngày vợ tôi vẫn rời nhà đi vào sáng sớm…

Phố núi như nhốt cả thành phố hiện đại, tươi đẹp trong cấm cung. Làm nhà nơi này chọn hướng nào cũng vậy thôi, núi và núi, xanh ngằn ngặt một màu. Hồi mới đến đây, vợ tôi chọn căn nhà hướng về ngọn núi cao nhất, chót vót như một cái gai khổng lồ lều nghều chọc rách màng trời. Tôi cứ nghĩ chắc vì ở hướng này cô ấy có thể nhìn thấy đàn chim bay về ngọn núi mỗi chiều. Nhưng cảnh tượng sum vầy đó không giữ chân cô ấy được lâu. Ngay cả những người tha thiết bình yên nhất cũng không chịu đựng được khi sống ở nơi này quá lâu. Đứa con trai mười sáu tuổi của tôi hay nói xa xôi về một chuyến thiên di nào đó. Chỉ cần chưa đầy nửa tiếng, khi cả người và xe trôi trên con dốc thoai thoải ấy là phố núi đã ở phía sau. Ấy vậy mà những người muốn đi chẳng hiểu sao vẫn không nhấc nổi chân. Như là nợ nần. Như là giằng níu. Mà kể có đi được thì cũng sẽ lầm lũi quay về như vợ tôi mỗi ngày. Tôi không biết cô ấy đã đi đâu và làm gì. Cũng không hiểu vì sao cô ấy không đi luôn nếu như đó đúng là điều cô ấy muốn. Tôi chỉ là một thằng đàn ông cả đời thất bại. Chẳng có lý do gì để níu chân cô ấy lâu hơn. Mỗi lần ý nghĩ ấy thoáng qua trong đầu là hình như con trai tôi đều nắm bắt được. Nó cười mỉm, khóe môi xơi xệu xuống không rõ khinh miệt hay thương cảm.
Minh họa: Hoa Quỳnh
Minh họa: Hoa Quỳnh
Tôi từng có thời gian dài làm việc trong nghiên cứu. Công việc bận rộn cùng với những tham vọng lớn cứ mải miết cuốn tôi đi. Nên ngoài bốn mươi tuổi, tôi mới nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình. Vợ tôi là một cô gái năng động, trẻ đẹp lại thông minh nhưng đã chấp nhận lấy một người chồng già có lẽ cũng vì mong yên ổn. Tôi hẳn nhiên đã yêu thương cô ấy như một gã trai trẻ còn bồng bột. Khi hoảng hốt thấy mình mỗi ngày mỗi già đi thì lại càng yêu cuống cuồng, vội vã. Cái gì quá cũng thành liều thuốc độc, tôi đã giết chết mình bằng thứ ghen tuông mù quáng. Vợ tôi quá trẻ, không cần thiên hạ phải thêm thắt đẩy đưa thì chỉ riêng cái sự trẻ ấy cũng đủ khiến tôi điên loạn. Suốt thời gian dài, tôi phải dùng đến thuốc an thần để xoa dịu những nỗi bất an cứ nhen nhóm trong lòng. Công việc ở viện nghiên cứu ngày càng gặp nhiều khó khăn. Công trình khoa học mà tôi dành nhiều công sức chẳng thu lại kết quả khả quan nào. Cũng từ đó, mối quan hệ với đồng nghiệp nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Tôi không còn đủ tỉnh tháo để tháo gỡ khỏi những nút thắt quan trọng ấy. Mọi thứ cứ tuột tay dần…

 

                        * * *

Tôi về phố núi đã gần mười năm. Rời bỏ viện nghiên cứu và những tham vọng từng ngốn hết cả phần đời tuổi trẻ của mình. Vợ tôi nghĩ nơi này đủ yên ổn để tôi tĩnh tâm chữa bệnh, giảm dần những vỏ thuốc an thần vứt vương vãi trong nhà. Tôi như con hổ bị mòn móng vuốt, ngoan ngoãn nằm yên giữa chốn tĩnh lặng này. Vợ tôi xin làm kế toán cho một công ty gỗ trong phố núi. Tôi hàng ngày vẫn đọc sách, thỉnh thoảng viết bài nghiên cứu cho báo ngành. Lúc rảnh rỗi thì chăm sóc vườn cây ăn quả, mỗi năm cũng thu hoạch được vài chục triệu. Kinh tế không phải là chuyện đáng lo, chúng tôi sống dư dả bởi nhu cầu vốn chẳng phải nhiều. Ở nơi này cũng không phải thiếu chỗ giải trí, rạp chiếu phim mở cửa đến tận khuya, sân khấu ngoài trời cuối tuần nào cũng có đoàn về diễn. Ca nhạc phòng trà hay chẳng thua gì những thành phố sầm uất khác. Lại thêm một sòng bạc lớn thu hút dân chơi tứ xứ đổ về. Phố núi đã trở thành vùng đất du lịch nhiều năm nay. Nhưng dù cả trăm ngàn lượt người tìm đến đây cũng không làm sao khuấy động được sự buồn tẻ và đơn điệu đặc quánh ở nơi này. Rất nhiều ngày, vợ tôi hình như không thấy có gì đáng quan tâm hơn cánh cửa nhà hàng xóm. Cô ấy từng tò mò hỏi:

- Anh đã bao giờ nhìn thấy ngôi nhà kia mở cửa chưa? Rõ ràng tối nào cũng thấy sáng đèn vậy mà chưa bao giờ biết họ già hay trẻ, là trai hay gái.

- Anh đoán đó là một người trẻ bận rộn. Khi anh trẻ cũng thường mất hút khỏi nhà vào mờ sáng và chỉ trở về khi tối muộn. Khi ấy ngôi nhà chẳng hơn gì một cái giường để ngủ.

- Em thì nghĩ hàng xóm của chúng ta có thể đã quá già. Tuổi già thường ưa sự tĩnh lặng tuyệt đối.

- Nếu em tò mò đến vậy thì một hôm nào đó, chúng mình thử gõ cửa xem sao.

- Biết đâu họ không thích. Nhiều khi chỉ một tiếng gõ cửa cũng đủ phá vỡ không gian bình yên của họ.

- Muốn biết họ có chào đón hay không, thật ra chẳng còn cách nào khác cả.

Đấy là tôi nghĩ vậy chứ cũng chưa dám gõ cửa nhà hàng xóm. Ở nơi đây thiếu gì những ngôi nhà cửa đóng then cài im ỉm suốt ngày. Họa hoằn lắm mới nghe tiếng nhau cười, một tiếng chào hỏi từ nhà này với sang nhà kia cũng đủ làm chộn rộn. Đa phần họ không có nhu cầu giao tiếp, sống lặng lẽ với phần đời của riêng mình. Vợ tôi nói, đôi khi cô ấy nhầm tưởng con người với những đỉnh núi bất động. Rồi biết đâu một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ biến thành núi. Sự im lìm của con người hắt bóng vào sự im lìm của núi. Công việc kế toán hàng ngày ngồi một chỗ càng làm cô ấy sợ. Ngày đôi bữa cơm quây quần cùng nhau thật đấy nhưng sự rời rạc hình như vẫn hiện hữu quanh quẩn trong từng mối quan hệ. Tôi không chắc mình còn yêu vợ, thuốc an thần đã tác động đến đầu óc tôi không ít. Mọi đam mê, nhiệt huyết trong tôi đều biến mất. Thay vào đó luôn là cảm giác buồn chán, mệt mỏi. Tuyệt nhiên không còn thấy thứ gì đáng quý. Sự có nhau trong đời hình như chỉ dừng lại như một thói quen. Tôi cũng không chắc vợ mình có buồn không. Ngay cả sự nhận biết, tôi cũng không còn tỉnh táo. Giờ thì tôi già thật. Cô ấy lại trẻ quá. Khoảng cách giữa chúng tôi xa vời như giữa hai thế hệ. Con trai tôi thì cô lập theo một hướng khác. Biên độ cô đơn rộng hơn độ tuổi. Nó hay hỏi tôi những câu kiểu như “Hạnh phúc là gì?”... Dĩ nhiên, tôi không có câu trả lời. Tôi không muốn dối con. Cuộc đời tôi chưa từng chạm vào hạnh phúc.

Một buổi chiều nào đó, hai bố con tôi ngồi bên nhau. Thằng bé nhìn lên ngọn núi cao và ao ước có một ngày đặt chân lên đó. Tôi cũng từng ít nhất một lần muốn thử sức nhưng rồi lại nghĩ trèo lên đó cũng chẳng để làm gì. Thằng nhỏ thì quả quyết:

- Chắc hẳn trên đỉnh núi phải có điều gì đó thú vị thì ông cụ kia mới leo lên leo xuống mỗi ngày.

- Bố chỉ thấy ông cụ chẳng mang theo bất cứ thứ gì.

- Có thể những thứ ông mang theo, bố không thể nhìn bằng mắt được.

Thằng bé khiến tôi chột dạ. Mỗi sáng có thể mẹ nó cũng mang theo những thứ tôi không nhìn thấy được. Lòng chung thủy? Nỗi cô đơn? Tôi đã quá già, chậm chạp trong từng ý nghĩ. Thằng nhỏ lại cười mỉm, khóe môi hơi xệu xuống. Nó nói phố núi này giống như thành quách nhốt những tâm hồn đơn độc. Người này vì người kia mà ở lại. Cuối cùng chẳng có ai hạnh phúc. Nghe như nó đang oán trách bố mình. Mười sáu tuổi, nó cao đến vai tôi. Bóng điện hỏng, nó tranh leo lên thay. Có gì nặng, nó cũng giành mang vác. Tờ rơi du học, nó mang gập máy bay phi vèo vèo qua cửa sổ. Tôi nhặt lên đọc thử, nghĩ đến một ngày nó đủ can đảm rời bỏ nơi này. Không như tôi mỗi ngày ngay cả sự di chuyển trong tâm tưởng cũng đóng băng. Nhiều hôm tôi ngồi bất động, đầu óc rỗng tuếch. Lúc đứng lên ngã bổ nhào xuống đất vì hai chân đã tê liệt. Tôi bỗng sợ một ngày nào đó nếu cứ ngồi như hóa đá như thế thì mạch máu trong người cũng sẽ đóng băng. Lúc ấy không chỉ là tay chân tê cứng mà ngay cả trái tim cũng ngừng đập bất thình thình.

Một tối, nhà hàng xóm không thấy sáng đèn. Tôi nghĩ chắc có thể người trẻ đi chơi xa đâu đấy. Tuổi trẻ mà, ai chẳng có một vài lần lang bạt. Nhưng vợ tôi thì bảo: “Biết đâu đấy, người già đã chết”. Ý nghĩ điên khùng thôi thúc cô ấy gõ cửa nhà hàng xóm vào sáng sớm hôm sau. Không có ai mở cửa, chỉ có tiếng con sáo lanh lảnh vọng ra: “Đẩy cửa mà vào”. Cánh cửa như vỡ òa khi một bàn tay vừa chạm nhẹ. Tôi vừa kịp có mặt trong khoảnh khắc ấy. Không gian mở ra sáng bừng. Đồ đạc trong căn nhà ngăn nắp và sạch sẽ. Không có ai ở nhà, chỉ thấy trên bàn để một tờ giấy trắng. Trên tờ giấy ghi một dãy số kèm dòng chữ: “Bố lên núi chờ mẹ”. Vợ tôi lưỡng lự mãi rồi cũng quyết định bấm dãy số trên điện thoại. Người bắt máy khẽ thở dài bảo: “Bố tôi chắc đã tìm thấy mẹ”. Chiều hôm đó, rất nhiều người lên núi định đưa ông cụ xuống. Nhưng con trai cụ kịp về, anh ta nói ước mong cuối đời của ông cụ là khi chết sẽ được chôn trên đỉnh núi. Ở nơi đó, ông có thể nhìn thấy rõ nhất con đường nối liền phố núi. Hai mươi năm trước cũng con đường ấy, vợ ông đã bỏ đi. Suốt phần đời cuối cùng, ông vẫn chờ đến một ngày gặp lại. Tôi lên núi tiễn đưa ông cụ. Tiễn đưa luôn phần hồn hời hợt của mình. Ở nơi này có lẽ mỗi ngày ông cụ đều nhìn thấy vợ tôi. Cái chết đơn độc của ông cụ đã giúp tôi thấy rõ những thứ mà thường ngày tôi không nhìn ra được.

Ngôi nhà tôi quay về hướng núi. Núi ngàn năm vẫn màu xanh ngằn ngặt. Hóa ra tôi đã lãng phí thời gian nhìn ngắm cuộc đời mình qua hình ảnh một ông già leo núi. Nếu một chiều nào đó, vợ tôi không trở lại. Nếu một sáng nào đó, con trai tôi cũng sẽ bỏ đi. Tôi có lẽ chẳng hơn gì ông cụ, mỏi mòn chờ mong thứ hạnh phúc mình từng không nắm giữ…