Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ đầu ra cho nông sản an toàn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá” là nội dung được các chuyên gia, nhà quản lý thảo luận tại hội thảo Tăng cường liên kết sản xuất và kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị do Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa tổ chức ngày 6/6.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc
Tiêu thụ chưa ổn định
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi giá trị của TP rất thấp, chỉ chiếm chưa đến 10%. Đáng nói, phần lớn nông dân còn mơ hồ hoặc hiểu chưa đúng về chuỗi giá trị dẫn đến liên kết với các tác nhân khác còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Thậm chí, nông dân và DN chưa tìm được tiếng nói chung để cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh… Đây là những nguyên nhân khiến nông sản an toàn vẫn bí đầu ra.
Nông dân nên làm tốt khâu sản xuất, còn các khâu sơ chế, đóng gói, thu mua lẻ, vận chuyển đến siêu thị nên để HTX, DN đảm nhận. Ngoài các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, bà con cần lưu ý đến kênh bếp ăn tập thể như trường học, khu công nghiệp. Có như vậy, nông sản an toàn đưa ra thị trường mới cho giá trị gia tăng và tiêu thụ ổn định, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương

Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy chia sẻ, HTX nhận thu mua thóc tươi J02 cho nông dân trên địa bàn huyện và cung ứng ra thị trường trung bình 3.000 - 3.500 tấn/năm. Mặc dù sản phẩm gạo của HTX Đoàn Kết đã được cấp nhãn hiệu tập thể “Gạo chất lượng khu Cháy”, được người tiêu dùng đánh giá cao, song, sản lượng tiêu thụ qua chuỗi liên kết với DN vẫn rất khiêm tốn. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ vào hệ thống siêu thị Big C chỉ đạt 20 – 30 tấn/tháng, trong khi sản lượng thóc HTX đang thu mua trong dân khoảng 300 tấn/tháng.

Là hộ nuôi cá rô đầu vuông quy mô lớn nhất huyện Ứng Hòa, trung bình mỗi năm hộ ông Đặng Văn Quý, xã Đội Bình xuất bán ra thị trường hàng trăm tấn cá thông qua kênh truyền thống với mức tiêu thụ khoảng 10 tấn cá/ngày. Để tiêu thụ thuận lợi, ông Quý đầu tư 8 chiếc ô tô vận chuyển cá đến các nhà hàng trên địa bàn TP. “Mặc dù, khâu tiêu thụ đã khá suôn sẻ, song, điều khiến tôi băn khoăn là làm như nào để sản phẩm thâm nhập được vào các hệ thống siêu thị lớn trong nội thành? Như vậy sản phẩm cá rô đầu vuông mới được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ ổn định, bền vững” – ông Quý phân trần.

Tăng cường liên kết

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đồng quan điểm, nông dân cần liên kết chặt chẽ hơn bằng việc thành lập HTX và bắt tay với DN. Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch nhấn mạnh, xu hướng mới để kích cầu tiêu thụ nông sản qua chuỗi giá trị hiện nay là thực hiện liên kết 6 nhà (Nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông, DN, người tiêu dùng, ngân hàng). Thực tế cho thấy, không chỉ nông dân Hà Nội mà nông dân cả nước đều đang rất cần kết nối thị trường. Do đó, các HTX nên liên hệ với Trung tâm trưng bày, giới thiệu, phân phối nông sản thực phẩm an toàn (489 Hoàng Quốc Việt) để quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông sản.

Hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại là những trung tâm thương mại và siêu thị đòi hỏi gắt gao tiêu chuẩn VSATTP. Ngoài giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn, siêu thị còn kiểm tra, đánh giá thực tế cơ sở sản xuất mới quyết định ký hợp đồng với nhà sản xuất. Khi nhập sản phẩm, siêu thị test nhanh tại chỗ, nếu sản phẩm dương tính với các chỉ số vượt ngưỡng an toàn thì sẽ chấm dứt hợp đồng. Do đó, nông dân, HTX cần đặc biệt lưu ý vấn đề sản xuất an toàn để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho rằng, để nông sản bảo đảm chất lượng đồng đều thì bắt buộc phải đồng bộ về giống, thống nhất quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng. Bên cạnh đó, nông dân cần nghiên cứu đa dạng sản phẩm để tăng sản lượng tiêu thụ. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu nhằm tăng giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường.