Kiến nghị kiểm toán “treo”, bao giờ hoàn thiện?
Thời gian qua, nhiều Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan quản lý đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc đôn đốc và triển khai thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Là tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song, Yên Bái luôn nỗ lực để thực hiện tốt kết luận, kiến nghị kiểm toán. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của KTNN. Nhờ vậy, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN năm 2020 của tỉnh đạt 97,5%.
Tương tự, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Điệu cho biết, thực hiện kết luận kiểm toán năm 2019, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo quyết toán lập thủ tục nộp tiền vào NSNN, giảm dự toán năm sau. Chưa đầy một năm sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, đơn vị đã thu hồi nộp NSNN 100% các khoản chi sai chế độ, đồng thời tổ chức họp giải trình, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến những tồn tại nêu trên.
Tình hình thực hiện các kiến nghị kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực với tỷ lệ thực hiện ngày càng cao. Tuy nhiên, còn rất nhiều kiến nghị kiểm toán đã gần 10 năm, 20 năm vẫn chưa được thực hiện, thậm chí, không có khả năng thực hiện.
Điển hình như tại Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT (kiểm toán năm 2018, niên độ NSNN 2017), số kiến nghị xử lý tài chính tồn đọng chưa được Công ty CP BOT Phả Lại thực hiện đến ngày 31/3/2023 là hơn 106,7 tỷ đồng...
Không chỉ tồn đọng trong thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật nhằm “bịt lỗ hổng” cơ chế, chính sách; kiến nghị về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân cũng còn rất khiêm tốn.
Tại Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2014 và chuyên đề việc thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, KTNN kiến nghị Bộ GTVT phối hợp, trao đổi ý kiến với Bộ Công Thương để thống nhất ban hành quy định quản lý nhiên liệu bay. Theo đó xác định rõ đối tượng sử dụng để việc tiêu thụ loại nhiên liệu này đúng mục đích, phù hợp với đặc tính kỹ thuật của nhiên liệu hàng không, hạn chế rủi ro gian lận trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Qua rà soát cho thấy, đến ngày 31/3/2023, kiến nghị này cũng chưa được thực hiện.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, tính đến 31/3/2023, tổng số các kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 433 kiến nghị. tổng số các kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện là 746 kiến nghị.
Thẳng thắn để gỡ “điểm nghẽn”
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Trần Văn Lâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều kiến nghị kiểm toán bị tồn đọng. Trong đó, có nhóm nguyên nhân khách quan, tức là kiến nghị kiểm toán rất đúng, thời điểm đưa ra kiến nghị rất xác đáng nhưng sau đó do biến động tình hình, đặc biệt là các đối tượng phải thực hiện kiến nghị có sự thay đổi như: doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc một số chủ thể cải tổ, sắp xếp, thay đổi bộ máy, biên chế, con người… khiến việc tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán khó khăn, thậm chí không còn khả năng thực hiện được.
Ông Lâm cũng chỉ ra, trong một số trường hợp kiến nghị của KTNN chưa đảm bảo chặt chẽ, điều đó trở thành cái cớ cho đối tượng kiểm toán không thực hiện kiến nghị đó, thậm chí không thực hiện cả những kiến nghị khác. “Khi KTNN đưa ra kiến nghị là hoàn toàn đúng pháp luật song quá trình tổ chức triển khai thực hiện lại vướng ở chính sách pháp luật khác. Điều đó cho thấy có phần trách nhiệm từ cả hệ thống của chúng ta trong việc hoàn thiện chính sách luật pháp” - ông Lâm bày tỏ.
Thẳng thắn nhìn nhận việc để tồn đọng kiến nghị kiểm toán, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì chủ yếu vẫn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, các đơn vị, địa phương đều khẳng định sẽ tập trung quyết liệt để xử lý triệt để các kiến nghị “treo”.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời là đơn vị được kiểm toán, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, bộ đang tiếp tục tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ để sớm hoàn thành các nội dung theo kết luận, kiến nghị của KTNN. “Đối với các nhà thầu không phối hợp thực hiện kiến nghị kiểm toán, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét không cho tham gia thực hiện các dự án do Bộ quản lý, cho đến khi thực hiện xong toàn bộ kiến nghị” - ông Lâm nêu rõ.
Theo bà Phạm Thị Thanh Mai, thực tế khảo sát cho thấy, kiến nghị tồn đọng của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bộ GTVT hoặc một số Bộ và các địa phương cũng nằm ở phần vướng mắc về cơ chế, chính sách, khiến các đơn vị, địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện. Vì vậy, các ý kiến đồng thuận rằng, để thúc đẩy việc thực thi đầy đủ, kịp thời hơn các kết luận, kiến nghị kiểm toán, cần phải bắt đầu từ việc tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ kịp thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật liên quan như Luật NSNN hay các nghị định, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành... nhằm tạo hành lang pháp lý để thực hiện tốt hơn các kết luận, kiến nghị kiểm toán; ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong quản lý tài chính công, tài sản công.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, thời gian qua, KTNN đã rất nỗ lực, cố gắng trong theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Tuy nhiên, Tổng KTNN cũng thẳng thắn nhìn nhận, dù Ngành đã nỗ lực song kết quả đạt được chưa như mong đợi. Vì vậy, trong thời gian tới, KTNN sẽ cố gắng khắc phục các bất cập, hạn chế để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán; quyết tâm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán đưa ra rõ ràng, đúng người, đúng việc, từ đó nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị.