Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ điểm nghẽn để công nghiệp hỗ trợ tăng giá trị trong chuỗi

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đạt được những kết quả tích cực, song ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn khá non trẻ, yếu kém ở một số phân ngành. Quy mô và năng lực còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá chưa cao...

Vấn đề này được chia sẻ dưới những góc nhìn từ các chuyên gia, doanh nghiệp tại Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/9.

Các diễn giả tại sự kiện.
Các diễn giả tại sự kiện.

Tự thân nỗ lực

Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh, trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp hỗ trợ đã có những chuyển biến rất tích cực cả về số lượng doanh nghiệp cũng như sản phẩm.

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện đạt khoảng 5.000 doanh nghiệp, các sản phẩm cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, như dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh.

“Hiện nay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tự ý thức được việc cải tiến, nâng cao năng lực của mình thông qua đào tạo cho đội ngũ quản lý, cũng như đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quy trình sản xuất để cải tiến quá trình sản xuất” – vị này nói.

Đồng thời cho biết, khoảng 100 doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp. Trong đó, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, hiện có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể, trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45 - 50%; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5 - 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ nội địa hóa này cao hơn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho biết, thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, với 300 doanh nghiệp hội viên, chiếm khoảng 1/3 số lượng doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố. Sau thời kỳ ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, 9 tháng năm 2023, các doanh nghiệp trong HANSHIBA đã và đang phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, có những sự khởi sắc nhất định.

“Các doanh nghiệp hội viên hầu hết đã vượt qua được khó khăn trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và mất đi bạn hàng, nhờ tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại quy mô trong nước” – ông Vân nói.

Vượt qua rào cản để tăng giá trị

Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khi đang nằm ở phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Việc nghiên cứu phát triển (R&D) đã được quan tâm nhưng chưa thực sự đúng mức. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa được chặt chẽ...

Công nhân trong xưởng sản xuất dụng cụ cơ khí ANMI. Ảnh: Khắc Kiên
Công nhân trong xưởng sản xuất dụng cụ cơ khí ANMI. Ảnh: Khắc Kiên

Bàn về vấn đề, Giám đốc Công ty CP Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics) Nguyễn Quốc Cường thông tin, doanh nghiệp phải xác định trước và chấp nhận những thách thức, suy nghĩ nâng tầm như thế nào, làm gì để có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng. Trước kia, Hanel Plastics làm gia công, đối tác đưa khuôn đến, mình mua máy rồi ép xốp ra xong bán lại, đấy là khâu giá trị gia tăng thấp.

Gần đây, Hanel Plastics đã phải chuyển đổi, nâng giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng. Hanel Plastics xây dựng bộ phận R&D, có kỹ sư thiết kế sản phẩm, thiết kế khuôn, xây dựng nhà máy khuôn… để xử các khâu sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao… “Vấn đề là đẩy giá trị gia tăng trong sản xuất của mình lên và sản xuất các sản phẩm khó hơn, tránh phụ thuộc vào các đối tác mới nâng cao năng lực cạnh tranh” – ông Quốc Cường khẳng định.

Giám đốc Công ty Cổ phần Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics) Nguyễn Quốc Cường.
Giám đốc Công ty Cổ phần Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics) Nguyễn Quốc Cường.

Về năng lực cạnh tranh, ông Nguyễn Vân cho rằng, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng. Đồng hành với sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp cũng phải “tự thân”, nâng cao năng lực tốt hơn, sản phẩm sản xuất ra phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà cung cấp cho các doanh nghiệp đặt hàng.

Năm 2023 có nhiều khó khăn, chiến lược cố gắng giữ ổn định, thời gian thì tập trung huấn luyện công nhân, hoàn thành hệ thống để sẵn sàng chờ đón qua giai đoạn suy thoái tiếp tục đón đầu cơ hội, chấp nhận lợi nhuận mỏng nhưng giữ dòng tiền ổn định, giữ công nhân, người lao động, đào tạo và nghiên cứu những phương án để chuyển đổi trong nội bộ quá trình sản xuất.

Đồng quan điểm, theo ông Phạm Tuấn Anh, dù môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện nhiều, song vẫn còn những điểm nghẽn mà thực sự cần phải tiếp tục được cải tiến. Thứ hai, hạ tầng hiện vẫn chưa được tương xứng, gây ra sự quan ngại cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam.

Thứ ba, năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế; khi một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất cần những doanh nghiệp vệ tinh nội địa, đủ năng lực cung cấp sản phẩm, giúp giảm thiểu nhiều chi phí trong quá trình sản xuất.

Một vấn đề nữa là nhân lực chất lượng cao, việc đào tạo gần như cũng chưa theo kịp được với nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam.

Từ những điểm đó, các doanh nghiệp đang kỳ vọng nhiều vào trợ lực từ các cơ chế chính sách, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ mà Bộ Công Thương đang trình Chính phủ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất liên quan đến hỗ trợ lãi suất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ…

 

Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những hiệu quả rõ nét. Việt Nam hiện đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ  hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo.