Chịu ràng buộc và ảnh hưởng không nhỏ
Tại Diễn đàn “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 17/10, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết: nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu sự ràng buộc trên nhiều phương diện bởi thị trường quốc tế, ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu.
Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng, việc tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo là vấn đề thực sự cấp bách. Nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực thực hiện chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng, theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, tích cực chuyển đổi năng lượng, hướng đến tương lai phát triển bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tại Việt Nam, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy, phát triển các nguồn năng lượng sạch để bảo đảm cho việc cung ứng điện, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững, bên cạnh những chính sách phù hợp, chúng ta cần có các nghiên cứu khoa học, sáng tạo về kỹ thuật, công nghệ và những kinh nghiệm của quốc tế trong chuyển dịch năng lượng. Sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể, nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước.
Nhìn nhận vấn đề, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm đánh giá, các dự án năng lượng mới sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Thứ nhất, thách thức về tài chính. Các dự án năng lượng lớn cần chi phí đầu tư ban đầu đáng kể, nhưng các sản phẩm tài chính hiện có không đủ đa dạng và dài hạn để phù hợp với nhu cầu. Các cơ chế tài chính mới như tài chính hỗn hợp, trái phiếu và khoản vay xanh hoặc liên kết bền vững và các công cụ nâng cao hiệu quả tín dụng chưa được sử dụng rộng rãi.
Thứ hai, về chính sách. Quy trình ban hành chính sách mất nhiều thời gian, cấp phép phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà, đây là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng xấu đến tiến độ dự án.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến tính khả thi của Hợp đồng Mua bán Điện (PPA) và khung pháp lý đặt ra nhiều rủi ro cho các dự án năng lượng tái tạo.
Thứ ba, các khoảng trống trong chuỗi cung ứng nội địa trong ngành năng lượng mới, sản xuất năng lượng tái tạo. Với lĩnh vực năng lượng tái tạo, việc sản xuất các thành phần như tế bào quang điện và cánh quạt gió đòi hỏi sản xuất chuyên biệt, với gần 90% nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và Mỹ nên còn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tương tự, với lĩnh vực điện mặt trời, Việt Nam chưa tự chủ được việc sản xuất pin. Việt Nam có trữ lượng khoáng sản quan trọng phong phú, nhưng chuỗi cung ứng thượng nguồn vẫn còn non trẻ, phụ thuộc đáng kể vào các nguyên liệu quan trọng nhập khẩu. Chuỗi cung ứng pin hạ nguồn, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng và tái chế pin, cũng vẫn chưa phát triển.
Song, hiện vẫn có những điểm nghẽn pháp lý cần chỉnh sửa trong thời gian tới. Quá trình chuyển dịch năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng, nếu được thực hiện tốt, sẽ thúc đẩy Việt Nam đạt được đồng bộ các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được tầm nhìn dài hạn của đất nước.
Định hướng chiến lược dài hạn
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Điều hành May 10 Hà Mạnh cho biết, để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu như Mỹ, châu Âu và các thị trường phát triển khác, xu thế xanh hóa là yêu cầu bắt buộc đối với ngành dệt may.
Đối với ngành dệt may, trước thách thức và yêu cầu của các khách hàng quốc tế trong việc đánh giá các nhà máy, quy trình sản xuất, sản phẩm, các doanh nghiệp như May 10 đã có chiến lược để không nằm ngoài yêu cầu chung của chuỗi cung ứng như xây dựng chiến lược để chuyển đổi xanh trong quá trình sản xuất để tiến tới thực hiện kinh tế tuần hoàn.
"Do đặc thù điện năng lượng mặt trời phụ thuộc thời tiết và điều kiện cơ sở hạ tầng của từng doanh nghiệp, nếu thực hiện hoàn thiện hệ thống điện mặt trời áp mái, tỷ lệ cung ứng điện sạch cho sản lượng điện tiêu thụ chỉ đến 30%. Do đó, doanh nghiệp cũng mong muốn tìm thêm nguồn cung ứng về năng lượng sách khác" - ông Hà Mạnh nói.
Gần đây, Chính phủ đã có Nghị định số 80/2024/NĐ-CP đưa ra cơ chế mua bán điện trực tiếp tạo ra cơ hội thúc đẩy tích cực tăng cường đầu tư, tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư trong các doanh nghiệp và xã hội; đồng thời, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận nguồn cung ứng năng lượng sạch.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng, chứng minh nguồn cung ứng điện sạch phục vụ cho sản xuất chiếm tỷ lệ cao, đảm bảo tiến trình xanh hóa của doanh nghiệp, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy hiện thực hóa thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa người sử dụng điện năng và nhà cung ứng điện năng sạch.
Từ thực tế, theo đại diện VCCI, Việt Nam cần định hướng thực hiện một chiến lược phát triển hạn chế phát thải carbon trong dài hạn và trung hòa carbon vào năm 2050 phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về môi trường, chiến lược này có thể đem lại cho Việt Nam một số hiệu quả về kinh tế và tài chính vượt trội so với một lộ trình carbon cao.
Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Sĩ Đăng đồng quan điểm, trong chuyển dịch chuỗi năng lượng toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài chuỗi cung ứng về năng lượng. Động lực chuyển đổi năng lượng xuất phát từ tiềm năng và tạo ra các cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuỗi cung ứng này gồm 4 khâu: Sản xuất, truyền tải, phân phối, tiêu thụ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên tìm kiếm cơ hội từ chuyển dịch năng lượng để làm chủ công nghệ tiên tiến thông qua việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài…