Việt Nam nhập siêu hàng Thái
Tại hệ thống siêu thị Big C, MM Mega Market, người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn các sản phẩm “Made in Thailan” trên quầy kệ trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đại diện hệ thống siêu thị này cho hay, mặc dù chiếm chỉ từ 5 - 7% cơ cấu hàng hóa, nhưng sản phẩm Thái Lan hiện diện trong hệ thống siêu thị Big C từ những vật dụng nhỏ như tăm tre, thìa, bát, đến các ngành hàng may mặc, giày dép, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến. Đáng chú ý, hệ thống siêu thị Big C bắt đầu bày bán bánh cookie do Thái Lan sản xuất được nhập về Việt Nam theo đường chính ngạch, giá bán tương đương so với sản phẩm Việt Nam sản xuất.
Thực tế, hàng ''Made in Thailan'' không chỉ xuất hiện tại những siêu thị do doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Việt Nam mà ở hệ thống chợ truyền thống, mạng xã hội Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử..., hàng Thái giá rẻ cũng ngập tràn. Khách hàng chỉ cần lựa chọn sản phẩm trên trang web của công ty ở Thái Lan, gửi yêu cầu qua e-mail, đơn vị kinh doanh sẽ mua, đóng gói và chuyển hàng về Việt Nam tận tay người mua.
Nhiều chủ hàng kinh doanh quần áo thời trang chia sẻ, không chỉ được đánh giá cao về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng vượt trội so với hàng Việt, về giá cả mặt hàng thời trang Thái Lan luôn rẻ hơn hàng Việt cùng chủng loại khoảng 30 - 35% nên thu hút được người tiêu dùng tìm mua.
Chủ tịch CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam - Quốc tế Đinh Vĩnh Cường cho biết, có một thực trạng là hàng Việt mặc dù đã xuất hiện tại các siêu thị Thái Lan nhưng số lượng không nhiều, chủ yếu là sản phẩm cà phê Trung Nguyên G7. Ngoài nhóm hàng đồ khô, hiện Thái Lan chỉ mới nhập khẩu chính ngạch một số loại trái cây của Việt Nam là thanh long, vải, nhãn, xoài.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, hiện Việt Nam đang nhập siêu hàng hóa từ Thái Lan. 6 tháng đầu năm năm 2022 Việt Nam đã nhập khẩu lượng hàng hóa từ Thái Lan với kim ngạch gần 7,01 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, Việt Nam kim ngạch xuất khẩu hàng Việt sang Thái Lan chỉ đạt trên 3,64 tỷ USD, như vậy trong 6 tháng đầu năm 2022 Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,37 tỷ USD.
Tim cách đưa hàng Việt thâm nhập thị trường Thái Lan
Nói về nguyên nhân khiến hàng Việt chưa thể chiếm lĩnh thị trường Thái Lan, tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thái Lan do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vừa tổ chức, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho hay, là do thị trường Thái Lan có nhiều rào cản kỹ thuật khiến việc đăng ký lưu hành sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam phải kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.
Đồng tình với ý phản ánh này, một số doanh nghiệp Việt Nam thông tin, hiện có tình trạng sản phẩm Việt vươn ra thị trường quốc tế dưới nhãn mác của Thái Lan. "Chẳng hạn khi gạo ST25 Việt Nam nổi tiếng thế giới thì doanh nghiệp Thái Lan cũng sang Việt Nam mua và đóng mác Thái Lan để xuất khẩu ra thị trường châu Âu, Úc…" - Chủ tịch HĐQT Công ty Pacific Food Lê Bá Linh, nêu ví dụ.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Thái Lan, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và nhà quản lý hiến kế cần đẩy mạnh đàm phán để Thái Lan giảm bớt rào cản kỹ thuật, công nhận các tiêu chuẩn hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, chính doanh nghiệp cần tăng cường nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng bản địa, chú trọng cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm cần được thiết kế tinh tế, đẹp và chuyển tải được thông điệp để bất cứ ai dùng sản phẩm chỉ cần nhìn bao bì, mẫu mã cũng có thể hình dung được và nhận biết được đây là hàng Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Nam Hồ Văn Lâm đề xuất, thời gian tới Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tại Thái Lan. Từ đó các doanh nghiệp, người dân Thái Lan và bà con kiều bào có cơ hội trao đổi thương mại với doanh nghiệp Việt.
Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Thành Huy nêu rõ, Thái Lan rất thành công trong việc thiết lập hệ thống bán buôn bán lẻ ở Việt Nam như Big C, MM Mega Market… khi họ đã có hệ thống phân phối vững chắc, việc tăng kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam là đương nhiên.
“Do đó, nếu chúng ta có hệ thống phân phối tại Thái Lan thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội đưa hàng Việt sang thị trường này tiêu thụ” - ông Nguyễn Thành Huy nêu rõ.
Để sản phẩm Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Thái Lan, Phó Chủ tịch xuất nhập khẩu Central Group Việt Nam Paul Le cho rằng, doanh nghiệp Việt cần có chiến lược cơ bản để chất lượng sản phẩm tốt, hợp vị bản địa nhưng cũng phải giữ đặc trưng nguyên bản.
“Trong thời điểm đầu tiên đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng Thái Lan, doanh nghiệp nên đưa ra sản phẩm dung tích nhỏ để người tiêu dùng thử sử dụng. Từ chỗ dùng thử và cảm nhận, khách hàng sẽ làm quen và chuyển từ dùng thử sang mua và dùng thật” - ông Paul Le hiến kế.
Trước những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, bên cạnh việc tăng cường đàm phán giảm bớt hàng rào kỹ thuật, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với kiều bào thành lập hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thái Lan, qua đó tạo đầu mối kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan.