Chồng chéo nhiều văn bản
Năm 2023, cơ quan thuế đã ban hành gần 20.000 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với số tiền khoảng 152.000 tỷ đồng, bằng 100,9% năm 2022. Trong đó, hoàn thuế cho hàng hóa xuất khẩu giảm 4% so với năm 2022, nguyên nhân chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022.
Số tiền hoàn thuế GTGT năm qua tăng chủ yếu do hoàn cho dự án đầu tư vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện (tăng 45%), nhờ Nghị định số 49/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo dỡ hầu hết khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thuế cho dự án đầu vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là đối với dự án điện.
Tuy nhiên, xét trên tổng thể, đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu cho rằng, tiến độ, thủ tục xác minh hồ sơ để hoàn thuế của ngành thuế các địa phương hiện nay vẫn khá chậm chạp. Nhiều doanh nghiệp bị treo khoản thuế hàng chục tỷ đồng đáng ra được hoàn trong các năm 2021 – 2022 có thể xem là thiệt hại và mất nhiều chi phí cơ hội.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam thông tin, chỉ tính trong nửa đầu năm 2023, tổng số tiền thuế GTGT các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ chưa được cơ quan thuế hoàn trả đã đạt khoảng 6.100 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2024, số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế vẫn còn nhiều.
Nói về nguyên nhân chậm hoàn thuế, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải cho biết, tình trạng gian lận thuế, mua bán hóa đơn bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế có nguyên nhân quan trọng là quy định về thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng, nên nhiều đối tượng thành lập cả chục, vài ba chục doanh nghiệp để thực hiện các hành vi gian lận.
Còn theo kết quả giám sát về hoàn thuế GTGT của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, việc hoàn thuế trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 chậm hơn so với các năm trước. Trong khi đó, số hồ sơ chuyển sang kiểm tra trước tăng lên đáng kể, nhưng số tiền phát hiện lại đặc biệt thấp. Điều này phần nào cho thấy mức độ rủi ro gian lận không cao, hoặc công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế còn chưa hiệu quả. Chưa kể, một số hồ sơ sau khi chuyển cho cơ quan công an được xác định chưa có dấu hiệu tội phạm, nhưng hiện cơ quan thuế vẫn đang dừng hoàn, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Với các kết quả trên, Đoàn giám sát đánh giá các vướng mắc phát sinh từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành thuế, yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát. Cùng với đó, tính thủ công về nghiệp vụ, sự pháp tạp, chồng chéo và quá nhiều văn bản cảnh báo, cùng với sự thiếu rõ rang về vi phạm, chưa áp dụng thống nhất quản lý rủi ro gắn với ứng dụng công nghệ thông tin đã khiến việc thực hiện gây ách tắc lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Sớm sửa Luật Thuế GTGT
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có yêu cầu ngành Thuế thực hiện nghiêm công tác giải quyết hoàn thuế GTGT, đảm bảo giải quyết kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định, công khai, minh bạch, không gây bức xúc trong dư luận.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã ban hành quy trình hoàn thuế mới và bộ tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế và lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng.
Theo Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải, trách nhiệm hoàn thuế phải hướng tới 2 mục tiêu là nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật, không để hồ sơ quá hạn do yếu tố chủ quan từ cơ quan thuế, công chức thuế. Đồng thời, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi gian lận về hóa đơn, hoàn thuế, quản lý chặt chẽ tiền của ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, để thực hiện 2 mục tiêu này, đầu tiên phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế GTGT, quản lý thuế, hóa đơn điện tử cùng pháp luật có liên quan nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” để phát hành, sử dụng không hợp pháp hóa đơn điện tử với mục đích gian lận hoàn thuế, trục lợi ngân sách Nhà nước.
Cùng với đó, phải ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin trong giải quyết hoàn thuế, từng bước tự động hóa tối đa, số hóa trong tiếp cận, giải quyết, chi hoàn thuế GTGT để đảm bảo giải quyết hoàn thuế minh bạch, công khai, kịp thời, đúng quy định pháp luật và phòng chống, ngăn chặn tối đa gian lận, kiểm soát chặt chẽ chi hoàn thuế GTGT.
Tại Dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bãi bỏ, bổ sung nhiều quy định mới về hoàn thuế GTGT. Bên cạnh đó, Dự thảo bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết điều kiện hoàn thuế để Luật hóa quy định này đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật. Việc sửa luật, được kỳ vọng là giải pháp quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong hoàn thuế GTGT thời gian qua.