Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ “điểm nghẽn” logistics

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đóng vai trò thiết yếu hỗ trợ các ngành kinh tế phát triển, những năm qua logistics Việt Nam đã có những đổi thay mạnh mẽ với tốc độ phát triển 13 - 15%/năm. Song ngành này cũng đang phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi có những giải pháp đột phá khơi thông “điểm nghẽn”.

Dây chuyền vận chuyển logistics tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Khắc Kiên
Điểm sáng về logistics
Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Việt Nam có khoảng 3.000 DN logistics trong đó 54% đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh và nguồn nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng 10% nhu cầu của ngành. Báo cáo điều tra về chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra, tăng 25 bậc so với năm 2016. Hiện Việt Nam đang phấn đấu tiếp tục tăng lên 5 - 10 bậc, xếp thứ hạng 30 ngang bằng với các nước phát triển.
Theo kết quả thống kê của VLA, hiện có tới 90% số DN dịch vụ logistics có vốn điều lệ đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Quy mô DN hạn chế là một trong những rào cản khi cung cấp chuỗi dịch vụ logistics, làm giảm khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường.

Tại khu vực phía Bắc những năm gần đây xuất hiện những điểm sáng như Trung tâm logistics Hateco (KCN Sài Đồng - Hà Nội). Tại đây có trung tâm phân loại hàng hóa của Lazada với hoạt động khá quy mô, hiện đại. Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hateco Đinh Duy Linh cho biết, Trung tâm logistics Hateco có diện tích gần 13ha, được DN xây dựng hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 nhằm giảm chi phí. Mục tiêu đặt ra của trung tâm là logistics tích hợp, đặc biệt trong ngành thương mại điện tử và chuyển phát nhanh.

Là chủ đầu tư KCN Đình Vũ (Hải Phòng), Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ Nguyễn Thành Phương thông tin, hiện DN đang đầu tư phát triển lĩnh vực mới là cảng biển và logistics. Cụ thể, với quy mô 1.329ha, DN đang đầu tư vào KCN Nam Đình Vũ được các nhà đầu tư đánh giá là có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư. Trong KCN tổng hợp này có nhiều phân khu, đặc biệt có phân khu về cảng biển và logistics… Bàn thêm về vấn đề này, Giám đốc Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ Nguyễn Mạnh Hà cho biết, dù mới đi vào khai thác từ tháng 2/2018, đến nay cảng đã đón khoảng 200 chuyến tàu lớn nhỏ, đi các tuyến quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… với lượng hàng hóa thông quan đạt khoảng 200.000 TEU. “Đây là một trong những cảng có cơ sở hạ tầng hiện đại nhất khu vực Hải Phòng về quy mô, trang thiết bị xếp dỡ tuyến tiền phương cũng như hậu phương và hệ thống kho bãi” – vị này nhận định.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Hiện ngành logistics Việt còn không ít “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển. Đó là hầu hết các chiến lược, quy hoạch tổng thể về phát triển các dịch vụ logistics mới dừng ở cấp chiến lược, tầm nhìn dài hạn, chưa có quy hoạch chi tiết. Theo Phó Tổng Thư ký VLA Nguyễn Tương, Việt Nam có khoảng 4.000 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên có điểm yếu là vốn và thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, sự liên kết đồng bộ giữa các DN cung cấp các công đoạn khác nhau của dịch vụ logistics còn khá kém. Bên cạnh đó, dù Việt Nam có lợi thế nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, bờ biển dài có thể làm dịch vụ trung chuyển hàng hóa cho các nước, nhưng hiện chưa được khai thác tốt.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển logistics để phục vụ tốt thương mại điện tử. Nếu logistics không tốt thì sẽ triệt tiêu thương mại điện tử. Nhưng muốn phát triển được logistics thì phải có sự đầu tư thích đáng về cả phần cứng và phần mềm để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Hoàng Thọ Xuân cho rằng: "Cần có cách tiếp cận mới trong chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035 để nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Phải hình thành và phát triển các trung tâm logistics cấp vùng, bám sát và phục vụ quá trình tối ưu hóa dòng vận động vật chất của hàng hóa trong các chuỗi cung ứng".

Từ thực tế hoạt động của cảng Nam Đình Vũ, Giám đốc Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ Nguyễn Mạnh Hà kiến nghị cơ quan chức năng sớm nghiên cứu vấn đề quy hoạch, giảm áp lực cho đường bộ, tìm giải pháp về đường thủy nội địa, đường sắt, cải thiện chất lượng dịch vụ logistics cũng như giảm thời gian hàng hóa lưu tại cảng, kho. Nếu làm được điều này, chi phí logistics có thể giảm một nửa.