Theo đa số ý kiến, đề xuất nói trên được kỳ vọng sẽ là điểm sáng trong tháo gỡ các chính sách pháp luật liên quan đến đất đai, góp phần đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án, tạo động lực để thị trường bất động sản (BĐS) hồi phục và phát triển bền vững.
Tách GPMB khỏi dự án tổng thể
Từ nhiều năm nay, với tất cả các dự án BĐS, GPMB luôn là khâu “khoai” nhất, là điểm nghẽn phổ biến nhất, khiến nhiều dự án chậm tiến độ có khi đến hàng chục năm không thể triển khai. Theo con số mà Bộ KH&ĐT đưa ra năm 2020, trong khoảng 1.900 dự án đầu tư chậm tiến độ, thì có đến gần 1.100 dự án gặp vướng mắc do GPMB. Năm 2021, vấn đề GPMB tiếp tục là nguyên nhân gây "tắc" vốn đầu tư công.
Tại Hà Nội, không khó để kể ra những dự án chậm tiến độ cả chục năm do khâu GPMB. Điển hình là dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1, được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định GPMB từ năm 2010. Sau 11 năm, việc GPMB chưa hoàn thành do còn nhiều vướng mắc, khiến dự án thi công không đạt tiến độ đề ra.
Tương tự tại TP Hồ Chí Minh, hàng loạt dự án như: cầu Tăng Long, Long Kiểng, Nam Lý, Ông Nhiêu, Vàm Sát 2 và mở rộng đường Lương Định Của, nâng cấp đường Tên Lửa... cũng đang bị chậm tiến độ thi công, tăng kinh phí thực hiện dự án, ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chung của TP và đời sống người dân.
Trước thực tế này, mới đây, Bộ KH&ĐT ban hành Công văn số 1463/BKHĐT-TH gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về đề xuất dự án thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập. Thời gian dự kiến thí điểm từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết cho đến hết năm 2025.
Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề xuất, với dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Nhà nước có quy mô dự án nhóm B, nhóm C có yêu cầu thu hồi đất để thực hiện, phù hợp với các quy hoạch liên quan.
Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, việc tách GPMB thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư công. Dự án đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm nguồn vốn, khả năng cân đối vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện.
Các bộ, cơ quan TƯ, địa phương có cam kết về kế hoạch triển khai cụ thể, chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư và dự án GPMB độc lập được tách riêng, bảo đảm nguồn vốn để thực hiện trong thời gian thí điểm (trường hợp được Quốc hội cho phép).
Như vậy, với đề xuất tách công tác GPMB ra khỏi tổng thể dự án thành một dự án riêng của Bộ KH&ĐT, công tác bồi thường, GPMB có thể làm song song với quá trình phê duyệt dự án đầu tư. Cách làm này được kỳ vọng là giải pháp quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư công mà nhiều địa phương trên cả nước đang gặp phải.
Niềm tin của người dân là yếu tố then chốt
GPMB là một quá trình phức tạp và cần phải cân bằng lợi ích của cả chủ đầu tư và người dân. Cũng như bao người dân khác, tôi sẵng sàn chịu thiệt nếu việc thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc cho phát triển kinh tế, lợi ích của cộng đồng, của Nhà nước. Ngược lại, sẽ không chấp thuận nếu chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người.
Anh Bùi Tân Thế (ngụ Quận 1, TP Hồ Chí Minh)
Bày tỏ ủng hộ đề xuất tách GPMB khỏi dự án tổng thể, tuy nhiên, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Việt An Hòa nhấn mạnh, bồi thường, GPMB vốn là công tác nhạy cảm, khó khăn, phức tạp. Dự án chậm triển khai, dự án treo, thậm chí đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp cũng liên quan đến công tác bồi thường GPMB.
“Để tháo gỡ những “nút thắt” trong GPMB thì sự đồng thuận trong Nhân dân, niềm tin của nhà đầu tư cũng là yếu tố quan trọng không kém” - ông Quang nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cũng nhận định, những vướng mắc trong GPMB dù là vấn đề cũ nhưng lại đòi hỏi hướng tiếp cận và cách xử lý hoàn toàn mới. Vì vậy nên mạnh dạn thực hiện đề xuất thí điểm tách GPMB thành dự án độc lập.
Tuy nhiên trong quá trình đó, phải bảo đảm quyền lợi chính đáng tối đa cho người dân trên cơ sở bám sát các quy định của Nhà nước, đây là chìa khóa tạo nên sự đồng thuận trong GPMB, triển khai các dự án đầu tư lớn.
Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cũng đánh giá cao đề xuất của Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, luật sư Lê Thu Thảo kiến nghị nên cho ra đời một tổ chức GPMB trung gian, không thuộc chủ đầu tư, không thuộc chính quyền và cũng không thuộc cộng đồng bị giải tỏa tham gia vào công tác GPMB.
“Tổ chức GPMB trung gian là hình thức phổ biến ở các nước phát triển và ngay cả ở các nước Đông Nam Á. Thông thường, những tổ chức này thuộc về tổ chức phi Chính phủ (NGO), hoặc tổ chức GPMB chuyên nghiệp, có vai trò là người trung gian, trung lập đứng giữa các nhóm tham gia dự án, đứng bên ngoài lợi ích các bên để thương thuyết, đàm phán sao cho hài hòa lợi ích các bên. Từ đó giúp bảo đảm công tác GPMB phát huy hiệu quả, tránh trục lợi, gây thất thoát, lãng phí” - luật sư Lê Thu Thảo nói.
Ở góc nhìn tương tự, luật sư Nguyễn Sơn Tùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Legal United Law cũng ủng hộ đề xuất tách GPMB khỏi dự án tổng thể.
“Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm là bài học đau xót. Chính vì vậy, đề án này nên nhanh chóng được thí điểm rộng rãi, trên nền tảng đó có sự điều chỉnh phù hợp nhằm tiến đến gỡ bỏ hoàn toàn những rào cản về GPMB cho các dự án trong tương lai” - luật sư Nguyễn Sơn Tùng phân tích.
Tuy vậy, luật sư Nguyễn Sơn Tùng cho rằng, Bộ KH&ĐT chưa thấu đáo ở điểm GPMB có thể làm song song với quá trình phê duyệt dự án đầu tư, vì rất có thể rơi vào tình huống khó xử nếu dự án không triển khai được. Bởi dự án phụ thuộc vào việc có huy động được vốn hay không, nhất là các dự án trọng điểm.
Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm khắc phục triệt để bất cập này nhằm việc tách dự án thực sự mang lại đột phá trong việc đẩy nhanh công tác GPMB.
Theo các chuyên gia, việc thực hiện GPMB theo đề án của Bộ KH&ĐT là thiết thực. Trong quá trình thí điểm, nên ưu tiên thực hiện ở một số dự án đầu tư công nhóm B, C, sau đó rút kinh nghiệm thực hiện ở tất cả dự án khác cả công lẫn tư với vốn huy động từ các nguồn khác nhau.q
Trên thực tế, việc tách GPMB ra thành một dự án độc lập chưa hoàn toàn là yếu tố thúc đẩy nhanh công tác này bởi vướng mắc thường nằm ở câu chuyện bồi thường, xác định giá đất. Do đó cần có tiêu chí để xem xét, phân loại các dự án thường vướng mắc GPMB, từ đó triển khai thí điểm sẽ có hiệu quả hơn.
GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT