Gỡ khó cho các trường ngoài công lập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần có chính sách hỗ trợ các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL); có văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng về giáo dục ĐH NCL; có sự bình đẳng giữa trường công lập và NCL… là những vấn đề được "mổ xẻ" tại Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển các trường ĐH, CĐ NCL diễn ra sáng 14/3.

Thiếu công bằng

Với 90 trường ĐH, CĐ NCL, các chuyên gia cho rằng quy mô của giáo dục ĐH NCL ngày càng mở rộng. Tại các trường này hiện có hơn 314.000 sinh viên (khoảng 14,4% tổng số sinh viên cả nước) và gần 14.000 cán bộ, giảng viên. Không thể phủ nhận, các trường ĐH, CĐ NCL đã góp phần nâng cao năng lực giáo dục ĐH, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội. Tuy nhiên, đa số đại biểu cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục ĐH NCL chưa đồng bộ, chưa tạo đủ cơ chế pháp lý cho việc thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục đào tạo. Đã thế, việc bổ sung chính sách cũng chậm.

 
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Ông Vũ Xuân Huế - Hiệu trưởng ĐH Phú Xuyên (Huế) cho rằng, hệ thống các trường NCL còn quá nhiều phức tạp. Không nên xem các trường là một doanh nghiệp, nếu xem trường là doanh nghiệp thì phải có cơ chế cụ thể. Trong khi trường công lập được đầu tư từ A đến Z, thì trường NCL không có gì, nhiều địa phương tuyên bố không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trường NCL. Cần tháo gỡ khó khăn cho khối NCL bằng các văn bản pháp quy kịp thời, Nhà nước nên dành ưu ái cho các trường NCL. Bộ GD&ĐT nên hoàn lại thuế cho các trường NCL, số tiền này để các trường đầu tư thiết bị hiện đại; hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi; đào tạo giáo viên sau ĐH.

Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng ĐH dân lập Hải Phòng cho biết, hiện có sự bất công giữa sinh viên công lập và NCL. "NCL phải đóng học phí cao hơn, phải chịu mọi thứ như: Đất đai, thuế, đầu tư trang thiết bị… Trong khi sinh viên trường công lập được dang tay đón sau khi tốt nghiệp, thì sinh viên trường NCL không được nhận. Cần phải tạo sự công bằng, không được ưu ái như các trường công lập, thì phải tạo điều kiện về chính sách, cơ chế cho các trường NCL hoạt động" - ông Nghị đề xuất.

Cần chính sách rõ ràng

Rất nhiều đại biểu chung quan điểm, kiến nghị nên có hành lang pháp lý, cơ chế rõ ràng với mục tiêu nâng cao giáo dục ĐH NCL. Theo bà Trần Kim Phương - Hiệu trưởng trường CĐ ASEAN: "Bộ nên có sự phối hợp với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL có chủ trương đến năm 2020 đạt 50% sinh viên NCL bằng sinh viên công lập; tạo điều kiện cho các trường có tiềm năng phát triển. Phải xác định rõ vai trò của trường công lập, có cơ chế, nghĩa vụ của công lập là gì; kiểm định chất lượng giáo dục, phải có những người có kinh nghiệm tham gia".

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thực hiện xã hội hóa không chỉ vì Nhà nước không có tiền, mà quan trọng nhất là Nhà nước nhận ra có những vấn đề khu vực giáo dục ĐH công lập muốn mà không làm ngay được, trong khi ở khu vực NCL thì có thể thực hiện được. Ví dụ như bỏ 1,5 triệu USD mua một chương trình hay việc mạnh dạn mời giáo viên nước ngoài về giảng dạy. "Những khó khăn, không hợp lý của khối các trường ĐH, CĐ NCL nhất định phải tháo gỡ. Tinh thần chung phải thực hiện quán triệt công bằng, bình đẳng, từ chính sách nhỏ đến những chính sách vĩ mô. Với những trường mới cần có sự ưu tiên. Hiện, bài toán đất đai, tài chính, một mình Bộ GD&ĐT không thể giải quyết được, nhưng những vấn đề thuộc ngành, Bộ GD&ĐT cần triển khai mạnh mẽ, tích cực, trên tinh thần bình đẳng. Việc chuyển các trường từ dân lập, bán công sang tư thục cần giải quyết dứt điểm. Những vấn đề về vốn, thuế của các trường ĐH, CĐ NCL đã đi vào Luật, cần có thời gian để giải quyết" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

 
"Tôi chính thức đặt hàng Hiệp hội, để xem chính sách còn vướng gì, cần sửa đổi gì. Tôi hứa sẽ nghe tất cả các vấn đề - nghe kiến nghị chứ không phải là tâm tư. Tôi sẽ mời các bộ, ngành liên quan tham gia để giải quyết tại chỗ các vấn đề".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam