Sơ chế vải thiều xuất khẩu tại HTX sản xuất và thương mại Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Tuấn Anh |
Ba rào cản lớn
Là một trong những DN hàng đầu về chế biến trái cây xuất khẩu, tuy nhiên, những năm qua, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm vùng nguyên liệu, địa điểm xây dựng nhà máy chế biến. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Đinh Cao Khuê cho biết, hiện việc tập trung quỹ đất để phát triển vùng nguyên liệu là không dễ. “Chúng tôi khảo sát thì thấy địa phương nào cũng có quỹ đất cho thuê nhưng hầu như là... đất xấu. Hạ tầng thiếu và yếu gây khó cho DN đầu tư” – ông Khuê cho hay.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, khoa học quản trị là vấn đề cần được các DN quan tâm nhiều hơn. Thêm nữa, việc hỗ trợ của Nhà nước cũng nên đi vào sản phẩm cuối cung ứng cho thị trường trên cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia, nhằm khuyến khích các DN đầu tư nâng cao chất lượng nông sản chế biến. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH Thái Hương |
Đại diện một số DN cũng cho rằng, công nghệ chế tạo của Việt Nam còn rất hạn chế. Số liệu của Bộ Công Thương chỉ ra, có đến 70% máy móc cơ giới hoá, trang thiết bị phụ trợ công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến việc nâng cấp máy móc, trang thiết bị gặp nhiều khó khăn. Đây là một phần nguyên nhân dẫn tới tổn thất sau thu hoạch của nông sản Việt trung bình từ 10 – 20%, có ngành hàng thậm chí lên tới 30% (rau, quả, sắn...).
Bên cạnh tư liệu sản xuất và công nghệ, nguồn vốn cũng là bài toán khiến nhiều DN băn khoăn khi đầu tư vào công nghiệp chế biến. Chính sách trên thực tế là có nhưng hiệu quả thấp. Đơn cử như Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, sau nhiều năm vận dụng, đến nay cả nước mới chỉ có 64 dự án tại 23 tỉnh, TP nhận được hỗ trợ. Việc tiếp cận tín dụng ưu đãi theo các chính sách hỗ trợ của Chính phủ còn gặp nhiều trở ngại về thủ tục và đối tượng cho vay. Mức độ giải ngân nguồn vốn cho vay còn rất thấp so với yêu cầu. Do đó, chính sách tín dụng không đến được với DN...
Đồng bộ các giải pháp
Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2013 - 2019, công nghiệp chế biến đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 7.500 cơ sở chế biến nông sản quy mô công nghiệp. Riêng trong hai năm 2018 và 2019, đã có 30 dự án lớn về chế biến nông sản, với tổng số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD được triển khai. Dù vậy, thách thức đặt ra đối với công nghiệp chế biến là rất lớn, nhất là trong bối cảnh nông sản Việt đang hội nhập ngày một sâu rộng. Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần sớm có chính sách tích tụ đất đai để tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá lại để có chính sách về vốn vay “cởi mở” hơn đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Đại diện một số DN cũng cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần có cơ chế hỗ trợ những DN có tiềm năng phát triển công nghiệp chế tạo máy móc, trang thiết bị phụ trợ cho ngành công nghiệp chế biến. Điều này nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, chủ động đưa công nghệ chế biến nông sản đến với các DN trong nước...
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, công nghiệp chế biến đóng vai trò hết sức quan trọng đối với mục tiêu đưa nông sản hội nhập toàn cầu. Chính vì vậy thời gian tới, trên cơ sở thị trường tiêu thụ, Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh, TP rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu lại sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào chế biến nông sản. Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập trung đầu tư mạnh để phát triển sản xuất, chế biến những ngành hàng nông sản còn nhiều dư địa về thị trường mà Việt Nam có lợi thế, cũng như ngành hàng mà tỷ lệ chế biến còn thấp như: Rau quả, thịt, trứng… Song hành với đó là đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí lưu thông hàng hóa, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho nông sản chế biến.