Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội có ngành cơ khí rất mạnh, nhưng các DN cần có sự kết nối mạnh mẽ trong nội khối, nâng cao sức cạnh tranh để khi cơ hội đến có thể chớp lấy là chia sẻ của các DN, giới chuyên gia tại Hội nghị đóng góp xây dựng Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến 2025 do Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) tổ chức ngày 7/8.

Mong đối xử công bằng
Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có 200 - 250 DN có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Mục tiêu của TP đến năm 2020 sẽ có 900 - 1.000 DN  hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhiều DN bày tỏ quan ngại, mặc dù muốn đầu tư để phát triển nhưng khâu thủ tục xin chứng nhận DN CNHT khá phức tạp. Bà Phan Nhật Minh - Tổng Giám đốc Công ty Nhật Minh cho rằng, các DN nội địa cần được ưu đãi hỗ trợ như với Samsung hoặc ít nhất cũng phải bằng 50%. Ngoài ra, một số ý kiến DN còn cho rằng, chính sách hỗ trợ ngành CNHT hiện nay còn chưa thật sự hiệu quả, tính rủi ro cao.

Phân xưởng sản xuất bếp ăn công nghiệp của Công ty CP Hà Yến tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên

Theo Chủ tịch Công ty Thăng Long TECH Nguyễn Anh Tuấn - Thường vụ ban Chấp hành HANSIBA, Đề án chưa đi vào đời sống về hỗ trợ máy móc, trang thiết bị,… nhất là chính sách hỗ trợ cho CNHT chưa tốt, rủi ro cao. Do đó, Đề án của TP cần mở rộng, không nên chỉ giới hạn đến năm 2025 và đề nghị TP hỗ trợ hội chợ chuyên ngành miễn phí hàng năm cho các DN CNHT, nhân cơ hội đó để tăng kết nối nội khối, tạo ra chuỗi liên kết ngay tại hội chợ. Bản thân DN nếu đem sản phẩm đi triển lãm tại hội chợ ở nước ngoài cũng cần ưu tiên vào những sản phẩm liên kết với các DN trong khối nhằm tạo thành chuỗi cung ứng. “Từ chuỗi giá trị để tạo ra chuỗi cung ứng… thay vì cố len vào chuỗi giá trị của các DN FDI” – vị  này chỉ ra. Còn ông Tô Văn Nhật - Giám đốc Công ty TNHH Nhựa Châu Âu Xanh nêu khó khăn, hiện DN đang gặp khó về đầu ra của sản phẩm khi những quy chuẩn về chất lượng, giá cả chưa rõ ràng. Vì vậy cần sớm có một bộ phận hỗ trợ, đánh giá độc lập về chất lượng của sản phẩm CNHT, cũng như có thể đưa ra một mức giá chuẩn cho từng sản phẩm.
9 đề xuất để phát triển
Thẳng thắn chỉ ra những vấn đề DN CNHT đang gặp phải rất cần có cơ chế, chính sách để tháo gỡ, nhiều ý kiến đóng góp vào Đề án cũng tập trung kiến nghị về nhân sự, thủ tục xin chứng nhận DN CNHT…
Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của hơn 20 DN hội viên tham gia trực tiếp hội nghị và hơn 50 ý kiến góp ý qua email, Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Hoàng cho rằng, Đề án đặt mục tiêu 900 DN ngành CNHT vào năm 2020. Để đạt được điều đó, HANSIBA có 9 kiến nghị, góp ý vào Đề án.
Thứ nhất, xác định tiêu chuẩn DN CNHT của Thủ đô như đơn giản các thủ tục, gọn nhẹ, theo đó lấy các hội viên của HANSIBA là thành viên nòng cốt để có cơ sở để đánh giá hợp chuẩn làm căn cứ kết nối với các đối tác nước ngoài, các cơ quan ban ngành, ngân hàng…
Thứ hai, đầu ra của sản phẩm CNHT cần được TP Hà Nội và Chính phủ quan tâm, kết nối cụ thể, có chế tài với các DN nước ngoài đặt hàng DN trong nước.
Thứ ba, có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các DN CNHT. Trong đó, vốn nội địa lấy từ quỹ đầu tư của TP, lập Quỹ tài chính mở cho các DN CNHT vay, góp vốn, nhất là từ nguồn vốn đầu tư công từ vốn ODA.
Thứ tư, hỗ trợ về đất đai, cần có 1 khu công nghiệp chuyên sâu cho CNHT.
Thứ năm, đào tạo lao động miễn phí cho ngành CNHT.
Thứ sáu, hình thành phát triển khu CNHT chuyên sâu, vườn ươm DN tạo thành chuỗi phát triển DN CNHT.
Thứ bảy, quan tâm đặc biệt tới các DN khởi nghiệp, khởi tạo.
Thứ tám, tạo ra các DN đầu tàu của nội địa và FDI.
Thứ chín, thành lập ban chỉ đạo phát triển CNHT TP Hà Nội do lãnh đạo TP là trưởng ban và Hiệp hội HANSIBA và Sở Công Thương Hà Nội là Ủy viên Thường trực.