Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ý kiến của nhà quản lý, chuyên gia đã đưa ra nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn và áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn.

Ngày 7/9, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn".

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Khuyến khích doanh nghiệp trách nhiệm

Tại hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn cho biết, phát triển bền vững nói chung và phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) nói riêng đã và đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng "xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường". Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng nhấn mạnh: "Khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu tư của quá trình sản xuất".

TS Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
TS Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư/nhadautu.vn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Do đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước một chính sách lớn của Chính phủ, đặc biệt là tạo diễn đàn góp ý về chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển KTTH và áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn (KDTH).

Đại diện Bộ KH&ĐT cho hay, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển KTTH ở Việt Nam".

Đề án xác định rõ quan điểm: "Chủ động phát triển KTTH là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững" và "cần đảm bảo khẩn trương, thực chất, hiệu quả, khả thi, có kế thừa những thực tiễn tốt ở các nước và trong nước, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước".

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định cần tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển KTTH trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng động và xã hội....

Nghị quyết cũng đã đề ra các mục tiêu cụ thể đối với phát triển KTTH như: Góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050; đến năm 2030 các dự án KTTH trở thành động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn thông qua các mô hình KTTH đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế...

Để triển khai Quyết định số 687 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay các bộ, ngành đang triển khai nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển KTTH.

Sự kiện thu hút đông các đại biểu và báo chí tham gia. Ảnh: Khắc Kiên
Sự kiện thu hút đông các đại biểu và báo chí tham gia. Ảnh: Khắc Kiên

Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như: Tân Hiệp Phát, Vinamilk, TH Group, Nestlé, Coca-cola Việt Nam, Heineken Việt Nam... đã thiết kế những quy trình tái chế, tái sử dụng, mô hình KDTH hoặc theo hướng tuần hoàn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và phản ánh của các doanh nghiệp, quá trình phát triển KTTH nói chung và mô hình KTTH nói riêng đang gặp phải không ít khó khăn, rào cản. Nổi lên là nhận thức về KTTH còn hạn chế, thiếu các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển KTTH và áp dụng mô hình KDTH, nhất là chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, công nghệ và đào tạo; công tác thông tin, truyền thông về KTTH và KDTH còn hạn chế; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hoạch định chính sách với các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ...

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương vừa được công bố cách đây vài tuần, hiện đã có các doanh nghiệp Việt Nam chuyển từ mô hình kinh doanh tuyến tính sang mô hình KDTH. Song do nhiều nguyên nhân, nhất là do còn thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể của Chính phủ, số lượng và tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng KTTH còn thấp.

Sớm hoàn thiện chính sách

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, chuyển đổi sang KTTH đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Trung Quốc và cả các quốc gia ASEAN, bởi chính những lợi ích về cả kinh tế và môi trường...

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Ước tính đến nay có khoảng 30 quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các lộ trình để phát triển KTTH. Tại Việt Nam, KTTH đã sớm nhận được quan tâm của Đảng, Nhà nước với các định hướng, chỉ đạo theo hướng toàn diện, thống nhất...

Hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ được áp dụng theo quy định về ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật khác có liên quan.

Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện KTTH thuộc các hoạt động đầu tư công trình bảo vệ môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về bảo vệ môi trường thuộc dự án, ngành, nghề ưu đãi đầu tư được quy định trong Nghị định sẽ được hưởng các chính sách tương ứng về đất đai, vốn đấu tư, thuế, phí và lệ phí, trợ giá sản phẩm, dịch vụ, mua sắm công xanh. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện KTTH thuộc danh mục dự án xanh được áp dụng chính sách cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…

Tuy nhiên, đối với một quốc gia như Việt Nam để thực hiện KTTH chứa đựng cả những cơ hội và rào cản. Trong đó, cần phải có những nỗ lực từ các cơ quan Chính phủ, tổ chức, cá nhân ở trong nước nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đồng bộ.

Cùng với đó, cần có sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế trong việc gỡ bỏ các rào cản mang tính toàn cầu (ví dụ, vấn đề thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ tuần hoàn, vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm, hàng hóa, vấn đề tài chính).

Chính vì vậy, trong ngắn hạn Việt Nam cần tập trung đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống, sớm xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện KTTH để lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, xây dựng các định hướng mục tiêu, chỉ tiêu, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương trong cụ thể hóa chủ trương này.Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Cùng với đó, trong dài hạn, hệ thống pháp luật có liên quan cần lồng ghép tư duy của KTTH để hoàn thiện các quy định khác có liên quan như pháp luật về đầu tư công để hướng đến thúc đẩy mua sắm công xanh, pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường để hướng đến điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường; pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn để giao trách nhiệm rõ ràng cho các bộ, ngành trong việc phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nguyên liệu, vật liệu thứ cấp; pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để hướng đến đảm bảo “quyền được sửa chữa, cập nhật các sản phẩm, kéo dài vòng đời sản phẩm”…

Đặc biệt, cần phát huy vai trò kiến tạo của Chính phủ trong điều hành, hoạch định chính sách nhằm kích thích ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, áp dụng các giải pháp KTTH vào trong quá trình thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và quản lý chất thải để tạo ra những vòng lặp tuần hoàn, kết nối một cách hệ thống để tạo dựng một xã hội tuần hoàn.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Hoa Cương cũng nêu rõ thực trạng, chính sách và giải pháp phát triển KTTH tại Việt Nam.

Về giải pháp, ông Cương cho rằng cần sớm hoàn thiện khung pháp luật về KTTH, KDTH, đặc biệt là các quy định chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của quốc gia và điều kiện của từng ngành nghề, từng doanh nghiệp; Phát triển khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình KDTH; Xây dựng và áp dụng các bộ tiêu chuẩn, khung hướng dẫn áp dụng KTTH, KDTH, đặc biệt là xây dựng sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình KDTH cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, quy mô.

Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại hội thảo
Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại hội thảo

Đại biểu HĐND TP Hà Nội, Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức nhận định 3 vấn đề đặt ra cần giải quyết. Đó là vấn đề pháp lý, bảo vệ môi trường, tiết kiệm về tài nguyên và nguồn lực. Quan trọng hơn, phải tìm ra các mô hình mà người dân sử dụng được, các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng được và công khai hóa; các công ty công nghệ phải cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để áp dụng công nghệ này.

“Tôi đồng tình các khuyến nghị về chính sách thuế, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện thực hiện KTTH. Sau các luật và nghị định cần có chính sách cụ thể mới đưa vào cuộc sống để khuyến khích KTTH” - ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, việc sử dụng các sản phẩm, dụng cụ, dùng các sản phẩm cũ… đòi thay đổi nhận thức của xã hội là rất quan trọng, báo Kinh tế & Đô thị với chức năng, nhiệm vụ sẽ cam kết tuyên truyền quảng bá các mô hình KTTH.

Dưới góc độ truyền thông, ông Nguyễn Minh Đức kiến nghị các bộ, ngành có chính sách, kinh phí đặt hàng cơ quan báo chí để đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của KTTH. Phía doanh nghiệp cũng xã hội hóa đồng hành để thực hiện, truyền tải những mô hình KTTH triển vọng, tổ chức tháo gỡ, phản biện, kiến nghị... hướng tới bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.

Điều phối sự kiện, ông Nguyễn Anh Tuấn mong rằng qua hội thảo ông Nguyễn Minh Đức khi dự kỳ họp HĐND TP Hà Nội sẽ có những ý kiến chọn lọc, sát thực để đăng đàn đưa ra thảo luận góp tiếng nói đẩy nhanh tiến độ KTTH.

 

Mô hình KTTH mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, cơ hội phát triển nghiên cứu đổi mới của khối học thuật và nêu bật vai trò điều hành của khối chính phủ. Quan trọng hơn, các giải pháp và nguyên tắc của mô hình KTTH còn tạo ra không gian giao thoa có ý nghĩa cho mô hình “3 nhà”: Chính phủ - Khối học thuật - Doanh nghiệp (Triple Helix) từ đó thúc đẩy các hợp tác tích cực để nâng cao sức mạnh tổng hợp của 3 chủ thể này.

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - đại diện nhóm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu phát triển KTTH (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)