Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tình hình Biển Đỏ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/2, diễn ra cuộc họp thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tình hình Biển Đỏ.

Sự kiện do Bộ Công Thương phối hợp cùng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao) tổ chức.

Cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Doanh nghiệp mong hỗ trợ

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, nhiều hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua Kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, làm cho hành trình tàu kéo dài từ 10 - 15 ngày so với trước.

Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải.
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải.

Một số tác động tiêu cực có thể nhìn thấy ngay đó là việc giá cước vận tải tăng, nghiêm trọng hơn là tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài và ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng xuất nhập khẩu. Xa hơn, việc tăng chi phí vận tải và giá dầu sẽ có gây ra hiệu ứng domino đối với giá cả hàng hóa khác, làm tăng thêm bất ổn kinh tế và địa chính trị, từ đó cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm cho hay, dù chưa ảnh hưởng nhiều, nhưng khi thời gian vận chuyển kéo dài từ 10 - 15 ngày dẫn đến thời gian sản xuất co hẹp lại, gây áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất làm thế nào để giao hàng đúng hạn.

“Việc đáng lo ngại nhất đó là sự việc không lường được khi nào kết thúc. Nếu cứ kéo dài, các đơn hàng ký tiếp theo chắc chắn khách hàng sẽ đặt vấn đề chia sẻ chi phí do vận chuyển tăng thêm. Do đó, điều mà các doanh nghiệp quan tâm là có thông tin sớm, kịp thời để có thể đàm phán cho các đơn hàng tiếp theo để tạo sự chủ động cho doanh nghiệp” - ông Trương Văn Cẩm nói.

Đồng thời đề nghị các hãng tàu với các phụ phí tăng thêm nếu có, hoặc những thay đổi liên quan đến vấn đề chi phí cần phải minh bạch, thông tin sớm, kịp thời để cho doanh nghiệp có những định hướng ứng phó.

Trong lĩnh vực thủy sản, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho hay, tính tổng chi phí trả cho 1 container hàng trong 1 tháng qua, cước phí vận chuyển đi Bờ Tây đang tăng 70%, nhưng hàng đi châu Âu đối với hàng đông lạnh đang tăng gần 4 lần. 

“Các hãng tàu phần lớn chuyển tuyến đường đi vòng qua mũi Hảo Vọng, trong bối cảnh năm 2023 cả hàng nhập và hàng xuất giảm 30 - 40%, điều này đồng nghĩa với các hãng tàu đều sẽ cắt giảm tàu mẹ. Cộng với căng thẳng Biển Đỏ thì việc kéo dài thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu kéo dài 14 ngày, như vậy, độ trễ tăng thêm gấp đôi” - ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Trong lĩnh vực nông sản, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam Hoàng Thị Liên cho hay, hiện mặt hàng này xuất khẩu đi thị trường EU chiếm 20%. Xung đột Biển Đỏ ngành hàng giá trị xuất khẩu nông sản thấp nhưng lại chịu tác động rất lớn.

“Có doanh nghiệp đã xếp hàng lên tàu từ ngày 20/12/2023 nhưng đến ngày 5/1/2024, tức là sau 15 ngày sau khi hãng tàu đã chạy thì bị áp dụng phụ thu với giá 2.000 USD/container 40 feet. Việc áp dụng phí một cách tùy tiện, không báo trước, không qua đối thoại, thỏa thuận làm cho các nhà xuất khẩu nằm trên thế “cá nằm trên thớt” - bà Hoàng Thị Liên nói.

Đồng thời cho biết, nếu phía doanh nghiệp không nộp phụ phí tăng thêm, họ gửi thêm bản áp phụ phí thanh toán trễ, trong vòng 1 tuần nếu không thanh toán các phụ phí (2.000 USD) mà hãng tàu yêu cầu, việc này càng làm cho các doanh nghiệp thêm bức xúc. Hiện, chi phí vận chuyển đối với mặt hàng này đi thị trường EU tăng 5 - 6 lần. Do đó, Hiệp hội đề xuất phải có chế tài đối với các hãng tàu, không để các hãng tàu tự tung tự tác tăng phí, hay áp phí.

Phải thông báo trước 15 ngày

Liên quan đến việc áp dụng phụ thu của các hãng tàu, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, trong trường hợp thay đổi hoặc tăng, phải thông báo trước 15 ngày. Việc các hãng tàu thực hiện tăng ngay giá phụ thu mà không có thông báo, nếu doanh nghiệp phản ánh, Cục cam kết sẽ xử lý đúng các trường hợp mà các hãng tàu, doanh nghiệp vi phạm trong việc niêm yết giá theo quy định của pháp luật.h

Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước tàu hiện vẫn ở mức cao, từ tháng 1/2024, cước vận chuyển container bằng tàu biển đi Hoa Kỳ, Canada tăng mạnh so với tháng 12/2023, cước tàu đến Bờ Tây tăng từ mức 1.850 USD/container tháng 12/2023 lên 2.873 - 2.950 USD/container tháng 01/2024 (tăng 55% - 60%); cước tàu đến Bờ Đông tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD/container tăng lên 4.100 - 4.500 USD/container vào tháng 1/2024 (tăng thêm 58 - 73%).

Riêng giá cước sang châu Âu ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023, cước đi Hamburg là 1.200 – 1.300 USD trong tháng 12/2023 tăng lên 4.350 – 4.450 USD trong tháng 1/2024. Các doanh nghiệp châu Âu được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nhất, bởi chuỗi cung ứng của họ phụ thuộc nhiều vào tuyến đường qua Biển Đỏ.

Ông Trần Thanh Hải khẳng định, Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị đồng chủ trì cũng như các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp thu, nghiên cứu các thông tin, ý kiến đề xuất của các đơn vị, đồng thời theo dõi, bám sát tình hình để tham mưu cho lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cũng như báo cáo lên các cấp cao hơn để có những giải pháp hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp.

Về phía các hãng tàu, ông Trần Thanh Hải đề nghị, trong bối cảnh như hiện nay cần duy trì tuyến, đưa container rỗng đưa về để đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, thực hiện đúng quy định về niêm yết, về giá cước, phụ phí. Xem xét thêm khả năng có hình thức vận tải đa phương thức như đường sắt, đường biển và hàng không. Việc này cần sự kết hợp của nhiều đơn vị vận tải khác nhau để có thể vượt qua tác động của căng thẳng Biển đỏ.

“Liên quan đến vấn đề thu phí chưa có niêm yết, chưa có thông báo, đề nghị các hiệp hội, ngành hàng phản ánh lại với Cục Hàng hải Việt Nam để có xử lý” - ông Trần Thanh Hải nói.

Với các hiệp hội, ngành hàng cần tiếp tục bám sát tình hình, phối hợp với các Bộ ngành, doanh nghiệp logistics để hỗ trợ, giúp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhất trong hoạt động thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần theo dõi sát tình hình, chủ động phương án ứng phó.