Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ khó cho kinh tế trang trại

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, kinh tế trang trại của Hà Nội phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, doanh thu cao, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, khu vực này còn không ít khó khăn cần sớm được tháo gỡ để phát triển xứng tầm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp bền vững.

Chăm sóc đàn lợn rừng tại một trang trại tại xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Ánh Ngọc
Hiệu quả từ áp dụng công nghệ
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn đang có sự chuyển biến rõ rệt trong sản xuất, kinh doanh, sản phẩm hàng hóa phù hợp với yêu cầu của thị trường, đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều trang trại đã chủ động được giống và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi tốt cung ứng cho nông dân trong vùng. Đến nay, toàn huyện đã có 201 trang trại, tổng doanh thu từ các trang trại đạt gần 2.200 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trung bình 412 tỷ đồng/năm.

Trên địa bàn huyện Thạch Thất hiện có 144 trang trại. Trong đó, nhiều trang trại sản xuất hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo dựng được thương hiệu cho nông sản. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, nhờ phát triển mô hình kinh tế trang trại, đời sống của nhiều hộ dân được nâng cao, thu nhập của một bộ phận lao động nông thôn được nâng lên rõ rệt.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến hết năm 2019, trên địa bàn TP có 3.150 trang trại, tăng khoảng 500 trang trại so với năm 2015. Kinh tế trang trại đã cung cấp cho thị trường Hà Nội hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm các loại. Loại hình kinh tế này sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có, đặc biệt là nguồn lực lao động và đất đai, nội lực vốn của chủ hộ. Tuy nhiên, phát triển kinh tế trang trại vẫn còn nhiều khó khăn. Hà Nội hiện mới có 178 trang trại được cấp giấy chứng nhận, quy mô diện tích đất các trang trại còn nhỏ, đạt trung bình 1,5ha. Nguồn vốn đầu tư vào sản xuất chủ yếu là vốn hộ gia đình tự có, trình độ chuyên môn của chủ trang trại chưa đáp ứng được yêu cầu, mức độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều...

Cần thêm cơ chế hỗ trợ

Chia sẻ về sự bất cập trong vay vốn phát triển sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho hay, hiện nay, toàn bộ tài sản gắn liền trên đất trang trại từ chuồng trại, vật nuôi, cây trồng đều không được định giá cho vay vốn do chưa được chứng nhận kinh tế trang trại cũng như giao đất dài hạn. Do đó, rất cần các cấp chính quyền tạo điều kiện hơn nữa về thủ tục xác nhận với các trang trại muốn vay vốn của ngân hàng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để hỗ trợ kinh tế trang trại, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, bảo quản chế biến; cung cấp thông tin thị trường và đào tạo nâng cao trình độ quản lý để các chủ trang trại. Sở cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh kết nối cung cầu “từ trang trại tới bàn ăn”, xúc tiến thương mại cho sản phẩm của các trang trại vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn. Năm 2020, Hà Nội sẽ hỗ trợ các sản phẩm của trang trại đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và hỗ trợ 50 - 100% kinh phí xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm... để quảng bá thương hiệu.

Về nguồn vốn, Quỹ Khuyến nông TP sẽ tạo điều kiện cho các trang trại tiếp cận nguồn vốn vay lên tới 400 - 500 triệu đồng nếu có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Mặt khác, Sở NN&PTNT phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại, làm cơ sở để các trang trại vay vốn. Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Bộ NN&PTNT điều chỉnh quy mô, diện tích với trang trại nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nhỏ hơn 1ha vẫn được công nhận.
Áp dụng Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại nên hiện nay Sở đang rà soát số lượng các trang trại để báo cáo TP, dự kiến đến hết năm 2020, toàn TP còn khoảng 1.816 trang trại. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2025, tổng số trang trại trên địa bàn là 1.950 trang trại, số lao động làm việc trong các trang trại là 7.730 người.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ