Tuy nhiên, Hà Nội hiện đang gặp không ít khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản này. Năng suất, chất lượng thấp Vùng chè Hà Nội tập trung chủ yếu tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ nhưng manh mún, năng suất và chất lượng thấp. Phần lớn diện tích là các giống chè cũ (Trung du lá nhỏ, PH1) được trồng từ 30 - 40 năm trước, nay đã già cỗi, chưa được đầu tư thâm canh. Từ năm 2012, Sở NN&PTNT đã xây dựng và triển khai Đề án sản xuất và tiêu thụ chè an toàn tại các vùng chè trên địa bàn TP. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm chè đã được nâng lên đáng kể, giá trị sản xuất đạt trung bình gần 200 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của các vùng khác trên cả nước, giá trị hàng hóa của chè Hà Nội vẫn thấp hơn từ 1,5 - 2 lần.
Đáng nói, hầu hết các sản phẩm chè của Hà Nội không có được mùi thơm đặc trưng, cánh chè (sau chế biến) to và thô. Đây là nguyên nhân khiến chè chỉ tiêu thụ được với giá thấp, trung bình từ 80.000 - 150.000 đồng/kg. Hơn nữa, nếu xét về góc độ xuất phát điểm thì chè Hà Nội tham gia vào thị trường muộn hơn so với chè của một số tỉnh khác, bởi tháng 8/2008, Hà Tây mới sáp nhập về Hà Nội. Đánh giá về những khó khăn mà ngành chè TP đang gặp phải, theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay, chế biến đang là khâu yếu nhất: Công nghệ lạc hậu, chế biến thủ công trong điều điều kiện chưa đảm bảo VSATTP, kỹ thuật sao chè kém... Bên cạnh đó, diện tích manh mún, phân tán khó áp dụng công nghệ sản xuất đồng bộ; nông dân chưa thay đổi thói quen canh tác cũ là những hạn chế lớn mà các vùng chè vẫn chưa khắc phục được. Các chuyên gia cũng nhận định, nguyên nhân khiến chè Hà Nội gặp khó trong tiêu thụ là do sản phẩm chưa được đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Đáng chú ý, việc phối hợp tiêu thụ chè giữa nông dân, HTX với DN còn lỏng lẻo, phụ thuộc nhiều vào khâu trung gian qua thương lái. Theo TS Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, mỗi HTX phải có một nhân viên trồng trọt để hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn, đồng nhất theo quy trình. Cùng với đó, các HTX cần liên kết với nhau để bầu ra người đại diện ký kết với DN. Nếu không vận dụng giải pháp này, nông dân và HTX sẽ mãi loay hoay với bài toán tiêu thụ. Tổ chức lại sản xuất Sản phẩm chè Hà Nội muốn tiêu thụ được nhất thiết phải đảm bảo an toàn và rõ nguồn gốc xuất xứ. Để làm được điều này, TP cần có chiến lược và giải pháp lâu dài, đó là đẩy mạnh hợp tác 4 nhà (Khoa học, Quản lý, DN, Nông dân). Theo ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chè Kim Anh, các HTX, nông dân nên tổ chức các chuyến đi tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm tại vùng chè Thái Nguyên. "Công đoạn sao chè là yếu tố quyết định đến mùi vị của chè, nên nếu chúng ta sao chè bằng công nghệ nén chủ động thì cánh chè sẽ nhỏ, đều, đẹp và tiêu thụ cũng dễ dàng hơn" - ông Khánh chia sẻ. Nhận định về thị trường tiêu thụ chè thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, những sản phẩm chè sản xuất đại trà thông thường sẽ tiêu thụ ngày càng khó khăn. Như vậy, sản xuất chè an toàn là xu hướng tất yếu và người sản xuất chè phải có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Hà Nội phải kịp thời bắt nhịp với tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất chè an toàn, đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các "nhà" trong chuỗi giá trị. Ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trước mắt, Hà Nội sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất, bởi đây là yếu tố gắn kết nông dân, HTX với DN. Hiện, TP đang từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất chè và tiếp tục xây dựng cơ chế, giải pháp hỗ trợ nông dân và DN tham gia vào chuỗi sản xuất - tiêu thụ chè. Căn cứ vào tình hình thực tế và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, DN và nông dân, thời gian tới, TP sẽ quan tâm, hỗ trợ cho các địa phương thay thế các nương chè cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Mặt khác, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để nông dân, DN yên tâm đầu tư sản xuất.
Mô hình chè VietGAP tại thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai. Ảnh: Ánh Ngọc |