Gỡ khó cho sản xuất rau hữu cơ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, rau hữu cơ (RHC) đã từng bước khẳng định được vị trí trên thị trường, mang lại sự tin tưởng cho người tiêu dùng (NTD).

Những năm gần đây, rau hữu cơ (RHC) đã từng bước khẳng định được vị trí trên thị trường, mang lại sự tin tưởng cho người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm RHC còn gặp không ít khó khăn.

Tín hiệu khả quan

Năm 2008, Hà Nội chính thức bắt tay vào sản xuất RHC tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn cùng với sự tài trợ của Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ VNFU - ADDA. Đến nay, xã Thanh Xuân đã nhân rộng được 18 nhóm nông dân (8 - 10 hộ/nhóm) sản xuất RHC, với diện tích RHC đạt 24ha. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn một số DN tham gia sản xuất RHC như: Công ty Việt Liên với diện tích 3ha tại phường Cự Khối (Long Biên), Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc với diện tích 10ha tại xã Yên Bình (Thạch Thất), Công ty CP Thực phẩm Sanam với diện tích 10ha tại Ba Vì.

Về mặt tiêu thụ, đến nay, trên địa bàn TP hình thành 9 chuỗi tiêu thụ RHC với 47 cửa hàng. Hình thức tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua hợp đồng thu mua với các công ty, cửa hàng bán rau an toàn theo đơn đặt hàng trực tiếp của các hộ gia đình.
Sản xuất RHC tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.
Sản xuất RHC tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.
Điều đáng mừng là nhận thức của cả người nông dân và NTD về RHC đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Không chỉ mở rộng về diện tích mà RHC ngày càng được NTD đón nhận. Bà Trương Kim Hoa – Giám đốc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc cho biết: "Hiện nay, mỗi tháng Công ty xuất bán ra thị trường trung bình từ 25 - 30 tấn RHC, trừ các khoản chi phí thu lãi 80 - 100 triệu đồng". Còn tại xã Thanh Xuân, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg rau, củ các loại, nông dân trong các nhóm sản xuất đều có mức thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Mạnh Chiến - Đại diện thương hiệu rau sạch Bác Tôm cho biết, thời gian đầu, Công ty phải mất rất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục nông dân hợp tác sản xuất theo phương thức hữu cơ nhưng nông dân vẫn thờ ơ. Song, với phương châm "mưa dần thấm lâu", hiện nay, rất nhiều nông dân đã chủ động xin gia nhập nhóm liên kết sản xuất RHC của Công ty. Còn thị trường RHC cũng "dễ thở" hơn khi mức tiêu thụ đã tăng lên gấp 2 - 3 lần so với mấy năm về trước. 

Nông dân, doanh nghiệp cần được hỗ trợ
Liên đoàn Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam cần hỗ trợ Hà Nội nguồn lực xây dựng mô hình sản xuất RHC; Tạo điều kiện cho cán bộ kỹ thuật, nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất RHC của các nước trong khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Duy Hồng Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội

Bày tỏ lo ngại về chất lượng bộ giống bản địa cho sản xuất RHC  hiện nay, bà Nguyễn Thị Liên - chủ trang trại hữu cơ Tuệ Viên chia sẻ, do sản xuất RHC không can thiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên cần thiết phải có những giống rau, củ, quả chống chọi được sâu bệnh mà không bị thoái hóa giống. Do đó, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn trong lĩnh vực nghiên cứu những bộ giống dành riêng cho sản xuất RHC. Theo bà Hoàng Thị Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng nhóm liên kết sản xuất RHC xã Thanh Xuân, hiện nay, nhu cầu sử dụng RHC lớn nhưng việc mở rộng diện tích rất khó khăn nên người nông dân rất cần được hỗ trợ tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất RHC và kinh phí xây dựng mô hình để yên tâm đầu tư,  mở rộng sản xuất.

Như vậy, cả người nông dân và DN đều đang gặp khó khi tham gia sản xuất RHC. Để từng bước tháo gỡ khó khăn, Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật sản xuất RHC. Cùng với đó, TP cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, chẳng hạn như: Hỗ trợ kinh phí tham gia gian hàng hội chợ; Hỗ trợ công tác tuyên truyền để DN đưa sản phẩm chất lượng đến với NTD một cách hiệu quả nhất. Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, sản xuất và đáp ứng nhu cầu RHC là xu hướng tất yếu của xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung đầu tư công tác tập huấn, hỗ trợ nông dân liên kết nhóm chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền giá trị của sản phẩm RHC đến với NTD, Sở sẽ tham mưu TP xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ.